Huy Phong - moingaymotniemvui.com-huyphong.com
trang chủ | ảnh | phonghtn@gmail.com
Albella yêu dấu
Huy Phong11/19/2018

## Hiver, Đà Lạt, 1905 

Lúc đó khoảng giữa trưa, khi còn cách Đà Lạt tầm sáu mươi cây số, đoàn xe của tướng Léon de Beylié và đoàn tuỳ tùng phải dừng lại vì giữa đường đang xảy ra một vụ xô xát. Một người pháp đỏ mặt tía tai đang la hét với hai người việt đang cầm roi lao vào ẩu đả với một thằng mọi. Tên người pháp hét lên: -đánh nó đi, quân ăn cắp. Hai người việt mặc đồ trông như lính, tay cầm dùi cui lao vào nhưng thằng mọi rất nhanh nhẹn, tay cầm một cành cây dài cỡ nửa mét ra đòn chính xác vào bắp tay, bụng và lưng khiến tuy ba đánh một nhưng không thể nào hạ được thằng mọi. 

Bà vợ tướng Léon bước ra khỏi xe và bà la lên: -ôi trời ơi, ôi trời ơi. Khi bà thấy nằm dưới đất, dưới chân thằng mọi, là một cô gái đang mang bầu, mặt bê bết máu, cô ta chỉ quấn một cái khố gần tới đầu gối, mình trần và da tím tái lại. 

Lúc này, thằng mọi bị ăn một dùi cui khá mạnh vào sau lưng, nó la lên một tiếng rồi té chúi nhủi. Ngay lập tức ba tên còn lại liền lao vào, thằng mọi ngồi thụp xuống ôm lấy cô mọi và chìa lưng ra ăn ngay một trận mưa dùi cui vào lưng. 
Léon kêu lên: dừng lại. Đoạn ông bước tới chỗ tên người Pháp rồi hỏi: -Chuyện gì? 
- Thưa ngài, thằng mọi này ăn cắp một hộp thức ăn của tôi. Mặt tên Pháp bừng bừng tức giận.
- Chỉ vậy thôi sao? Léon hỏi lại, giọng có vẻ ngạc nhiên. 
- Vâng! Tên Pháp trả lời.
Đột nhiên thằng mọi rống lên khóc rồi quỳ gối ngẩng lên nhìn Léon rồi nói với ông bằng thứ tiếng Pháp khá chuẩn:
- Xin ngài hãy cứu lấy cô gái này, cô ta là vợ tôi, cô ta sắp đẻ rồi, tôi chỉ lấy thêm chút đồ ăn cho cô ấy thôi. 
Cả Léon và tên người Pháp, thuộc công ty Charléty và Odend’hal đều hết sức ngạc nhiên. Vì không ai ngờ thằng mọi lại nói tiếng Pháp thông thạo như thế. Bà Jean đã kịp bước tới nâng cô mọi lên. Tên mọi lại nói tiếp với Léon: -Tôi là thông dịch của ngài Alexandre. Xin hãy cứu tôi. Tôi bị bắt. Nói xong thì thằng mọi gục xuống. Máu từ trên đầu nó chảy xuống do trúng đòn. Có vẻ như toàn bộ sức lực của nó đã được dùng để bảo vệ người vợ của mình.

***

Thằng mọi chớp chớp mắt tỉnh dậy. Cổ họng đắng nghét, sức lực toàn thân bay đi đâu cả, nó không thể nào cựa mình dậy, chỉ có cái tai là thính. Nó nghe loáng tháng ai đó nói “thằng này chẳng còn tí sức nào mà còn đánh đấm được cũng giỏi”, “nó nói nó là thông dịch của ngài Alexandre à”, “nó nằm được hơn một ngày đêm rồi đấy”…câu được câu mất xong nó lại thiếp đi. 

Và nó nằm mơ. 

Một giấc mơ đẹp nhất trong đời nó đã từng nằm mơ. Nó mơ nó và vợ nó được ngồi ăn chung một cái bàn ăn có khăn trải bàn màu trắng với mép khăn tua rua. Trên bàn ăn có một chai rượu, hai cái ly cao chân, mỗi người có một cái đĩa ăn cỡ lớn. Tới lúc này thì ngay cả trong giấc mơ, nó đâm ra phân vân, không biết mỗi người sẽ ăn một con gà, hay mỗi người một miếng thịt bò chín tới thật to ăn kèm với khoai tây nghiền với mấy miếng súp lơ luộc. 

Rồi nó lại thấy nó và vợ nó đang ngồi ăn thì có một thằng nhóc xinh xắn, tóc xoăn giống nó, chạy lại gần nó. Đột nhiên người nó mềm nhũn, sức lực mất hết khi nó thấy thằng con, một nỗi cảm động dâng tràn, nó oà khóc, nhưng không thể khóc thành tiếng, nước mắt nó cứ thế chảy ra. Nó nhìn thằng con, nước mắt chảy ra, người vợ thì đứng dậy âu yếm nhìn nó. 

Bất chợt có tiếng trẻ con khóc, rõ ràng là tiếng trẻ con, nó choàng tỉnh, rõ là tiếng trẻ con. Bằng một bản năng nó chưa từng thấy trong đời, nó bật dậy - nhưng đó là nghĩ vậy, thật sự là nó khó nhọc ngồi dậy. Có một cô người làm chạy lại. Nó hỏi ngay, giọng thều thào: -có phải con tôi không? có phải con tôi không? Cô người làm gật đầu: đúng rồi. Nó hỏi ngay: -tôi qua xem được không? - Không, chưa được. Nói rồi cô ta lại chạy đi. Nó quay sang bên cạnh, rót một ly nước thật đầy rồi uống cạn. Nó nhìn quanh, đó là một căn phòng giống phòng y tế mà trước đây nó hay đi dịch cho ngài Alexandre. Trong phòng có ba cái giường, hai bên kia còn trống. Trong phòng khá ấm, nó được đắp một cái chăn và ngoài trời có lẽ đang là buổi sáng. Đầu nó lại nhức như búa bổ. Bụng lại đói, sôi lên từng cơn. Nó loạng choạng đứng dậy. Đúng lúc đó có một bà sơ đi vào, bà ta tươi cười hỏi: -tỉnh rồi hả, con có đói không? Đời nó, chỉ khi nó được đi với ngài Alexandre thì nó mới được hỏi tử tế, và hôm nay, chỉ một câu ấm áp đó thôi. Nó lại chảy nước mắt, không nói nên lời. Nó khẽ gật đầu. 

Nó ăn liền một mạch hai bát súp, một cái bánh mì baguette, thêm một bát khoai tây nghiền. Nó với tay uống sạch một cốc sữa to. Nó nghĩ, giờ thì nó đã đủ sức khuân cả cái kho lương thực của bọn công ty cho vợ nó tẩm bổ rồi. Nó ngồi thêm mười lăm phút thì nó cảm thấy sức lực của nó đã trở lại. Nó đứng dậy đi tìm con nó. 

Nó lại gục ngã một lần nữa, trước cửa phòng sinh.
Nó lại bật khóc lần nữa, khi nó thấy đứa con đỏ hỏn của con nó.
Nó lại ngất đi khi nó nắm bàn tay lạnh ngắt của vợ nó.

Khi vợ nó trút những sức lực cuối cùng để đẻ đứa con trai, thì cũng là lúc vợ nó rời bàn ăn, rồi âu yếm nhìn nó. Khi vợ nó gồng mình để dành tàn hơi cho đứa con thì là lúc nó ngồi ăn súp. Nó đã không ở bên vợ nó trong giây phút cuối cùng. Và đứa con đỏ hỏn, mà vợ nó còn không kịp ôm vào lòng, đã khóc những tiếng đầu tiên, để chính thức đến với thế giới này. 

Tướng Léon trong mười ngày đã xong việc sắp đặt một đồn trú từ 3,500-4,000 quân thường trực tại Đà Lạt. Mọi công việc đã xong, ngày mai ông lại về Sài Gòn chuẩn bị cho mấy việc quan trọng với ông toàn quyền. Ông cho gọi thằng mọi lên. 

Nó bước lên nhà trên, cạnh lò sưởi là một cái ghế bành to, ông Léon và bà vợ đang ngồi sưởi. Nó được ra dấu ngồi đối diện. Nó bước những bước chân vô hồn và xin phép ngồi xuống. Léon đưa nó một ly rượu, nó làm một hơi hết ly rượu. Bà vợ bảo nó: chuyện là thế nào? Nó đưa hai tay ôm mặt, xong nhìn vào cái lò sưởi, nó bắt đầu kể. 

Mười ba tuổi, trong một lần đang đứng bên buôn cạnh con suối và tò mò nhìn theo đoàn ngài Alexandre. Nó được ông cho một viên kẹo, xoa cái đầu tóc xoăn tít của nó, nói những câu gì mà nó chẳng hiểu gì cả. Nó đang đói meo và khi ông ra hiệu cho nó đi theo thì nó bám theo đoàn của ông Alexandre từ hôm đó. Trong đoàn thám hiểm, cơ man là đồ đạc, người thì đông, nó được đặc cách ngồi ăn chung với ông, và ông cho nó một quyển từ điển của thợ săn voi truyền tay nhau, sau đó được bổ sung liên tục. Và thế là từ từ, trong tám năm, nó thành tay sai vặt kiêm thông dịch cho ngài Alexandre. Tám năm trôi qua như một cái chớp mắt. Các chuyến đi Đà Lạt của ngài Alexandre thưa dần, cách đây hai năm, trong lúc nó đang nói chuyện với một quý cô, nó buột miệng khen mái tóc của cô đẹp quá. Lời đó lọt vào tai một tay người thuộc công ty Charléty và Odend’hal. Cuộc đời nó rẽ sang ngang khi mà chỉ vài phút sau nó đã thấy mình bị trói và vứt lên xe chung với bọn tù nhân từ Sài Gòn lên để bổ sung cho nhóm lát đường từ Đá Bàn B’lao lên Đà Lạt. 

Những năm ấy, phu làm đường là lực lượng lao động cưỡng ép gồm những thanh niên thuộc các bộ lạc thiểu số như Lạch, Churu, K’ho. Một thành phần là các tù nhân chuyển từ Sài Gòn lên được biến thành công nhân làm đường hết. Mỗi ngày hai bữa ăn, nước uống lấy từ suối, ngủ tại các lán trại làm dọc đường. Không đi chơi, không thức khuya, không gì cả, không tương lai, không có gì đảm bảo ngày mai còn sống sót trở về, mà cũng chẳng có gì để trở về cả. Mọi công nhân đều được cho thêm những cây roi mây vào lưng trần mỗi khi làm chậm hoặc mỗi khi đốc công ngứa tay. Riêng nó, nhờ được gửi gắm đặc biệt, ngoài việc rít lên mỗi tiếng mọi khi cây roi quất xuống, nó luôn được những ngọn roi với số lượng gấp đôi mọi người. 

Có những đêm, nó nằm trong lán chán, nó bò ra ngoài, rồi nằm lên bãi cỏ, nhìn thẳng lên bầu trời. Nó nghĩ, giờ nó cũng chẳng có làng để về, chẳng có nơi để đi, cũng chẳng trốn đi đâu được, khi nghĩ tới đó, nó lại thấy ở đây nó có những người giống nó. Khi làm việc có thể nói chuyện, khi ăn có người ăn chung. Đột nhiên, trong một thoáng, nó thấy cuộc đời này cũng chẳng phải là điều gì đáng sợ hãi hay buồn bã gì cả. 

Đám đàn ông phải làm những thứ nặng nhọc như cưa cây, chuyển những đám cây to ra khỏi đường. Nổ đá, khiêng đá ra khỏi đường. Đập đá, khiêng đá bỏ vào đường. Đám đàn bà là nhóm riêng, làm những thứ nhẹ hơn, như san đường, san đá dăm. Cứ đám đàn ông làm ở đây, thì đám đàn bà làm đầu kia. Luật đưa ra là cấm nói chuyện, cấm đi lại gần nhau. Cấm không được làm quen với nhau. 

Có một đợt tuyển phu từ trung kì vào, đợt này nhiều đàn bà hơn đàn ông. Một hôm, nó thấy thằng quản đốc đang đánh một cô gái. Lý do là đang khiêng cái khay đựng đất thì trượt chân té, cô gái chưa kịp đứng dậy đã bị nó vung roi đánh. Mà không biết hôm ấy nó bị gì mà nó đánh tới tấp. Nó chợt động lòng khi thấy cô gái co người lại, một tay che ngực, một tay che mặt, nhưng thằng kia vẫn cứ quất roi xuống. Nó lao tới, một tay giựt cái roi, một tay đấm mạnh vào bụng thằng quản đốc. Lúc nó lao tới, nó hô lớn cho đám đàn ông cũng bức xúc như nó lao vào ẩu đả với đám cai. Thế là hôm ấy có một trận ẩu đả ra trò. Và nhờ biến một việc nhỏ thành một trận ẩu đả lớn mà phía công ty đã có một số cải tổ nhất định trong việc cai quản công nhân. Dù sao vẫn là danh nghĩa công nhân làm đường, không phải tất cả là tù nhân, do đó việc phát lương, giờ làm việc, chất lượng bữa ăn, đã có cải thiện. 

Và đó là lúc nó quen với Thom. 

Hai đứa lén lút hẹn hò suốt ba tháng trời, gặp nhau được sáu lần, đều đặn, cứ trăng nhú là gặp nhau, và trăng tàn là gặp nhau. 

Nó bắt đầu thấy cuộc sống công nhân làm đường, mà bị ghép chung với bọn tù nhân này, không phải là một phần kế hoạch trong cuộc đời của nó nữa. Một đêm, nó ôm Thom vào lòng, nó bảo, làm thêm vài tháng và về buôn của nó sống. Đêm đó, nó đã hôn lên đôi môi ngọt ngào nhất trên đời. Và Thom cũng vậy, thì thầm với nó, là Thom chưa bao giờ biết được điều gì hay ho đến như thế, sau một lần được cho ăn một mẩu bánh mì dở từ vợ của một tay trong ban điều hành công ty ném cho. Thế là nó chực khóc, nó từng ngồi ăn chung với ngài Alexandre, nó đi theo ngài, không biết nhiều cũng biết ít. Nó thề với Thom là nó sẽ đưa Thom đến Đà Lạt, nhất định sẽ được ăn một bữa bánh mì thoả thích.

Đời người là vậy, đàn ông là vậy, có thể cả đời chỉ là một con ngựa hoang. Nhưng khi đã có một chỗ để đi, có một chỗ để về, thì đột nhiên thay đổi. Hoàn toàn thay đổi. Nó lên gặp quản đốc để xin không làm nữa. Chiếu theo bản luận tội bằng miệng cái hôm nó khen tóc cô đầm xinh đẹp, thì bản án của nó là 10 năm khổ sai. Giờ mới có hai năm, còn 8 năm nữa. Còn Thom thì được công ty thuê lại của một công ty địa phương ở trung kì một hợp đồng năm năm thì Thom còn bốn năm bốn tháng nữa mới hết hạn làm việc. 
Nó và Thom, ngoài việc không được xin ngưng làm, cả hai còn bị trừng phạt vì vi phạm quy chế làm việc, ngoài việc cắt tiền công là 40 centime mỗi ngày, cả hai bị đưa vào các bộ phận cực kì nặng nhọc và cắt người canh không cho gặp nhau nữa. 

Tình yêu, nó là một điều kì diệu, đem lại những sức mạnh, những tỉnh thức và cả những mê muội. Với nó và Thom, tình yêu này đã đem lại một sức mạnh không ai ngờ. Trong một đêm trăng tàn, nó đã trốn được ra khỏi lán, qua khu của Thom và đã dắt cô đi suốt bảy tháng trời. Đêm đầu tiên, nó đưa Thom tránh xa lán trại của bọn làm đường, nhưng công cụ không, vũ khí không, không có một cái gì cả. Toàn rừng là rừng, thú dữ thì nhiều. Cuối cùng, nó quyết định dừng lại ở một cái hang khá khô ráo. 

Đêm thứ hai sau khi trốn thoát, nó đi tìm cây khô, lá rừng, mọi thứ có thể để che chắn cái hang nhằm tránh thú dữ. Nó và Thom mất thêm một tuần để hoàn thiện tổ ấm của mình. Cái hang được lót hai lớp cây khô ở ba vách chính, vách phần cửa được xếp những cây gai lớn, chỉ chừa phần đi ra đi vào. Nó quay trở lại lán của bọn công nhân, sau vài lần thì nó đã lấy đủ dao, rựa, chén bát, nồi, đá lửa, muối. 

Đêm thứ hai mươi mốt sau ngày trốn thoát, tổ ấm của nó và Thom mới có thể gọi là tạm ấm. Những bó lá cây mềm mại được xếp lớp cẩn thận. Và đó là đêm đầu tiên, trong một cái hang chẳng khác gì chỗ bọn thú trốn rét. Nó và Thom nằm ôm nhau ngủ, chẳng màng đến ngày mai sẽ thế nào. Nó lần đầu làm đàn ông, và Thom cảm thấy mình tan chảy trong vòng tay của nó. Nó thiếp đi trong hạnh phúc, nó thiếp đi trong niềm hân hoan về cuộc đời, kể từ khi ngài Alexandre nhìn thấy nó năm nào. 

Thom có bầu, nó bắt đầu sợ hãi vì nó không biết phải làm thế nào. Những cây trái rừng, thịt rừng, Thom ăn nhưng vẫn có cảm giác thèm ăn. Bọn công nhân bị trừng phạt vì để mất đồ nên tăng cường cảnh giác, bọn cai thì rình rập đặt bẫy khắp nơi vì biết nó là trốn về để ăn cắp. 

Và rồi tai hoạ đến: hết muối.

Không thể lấy được. Nó đốt cỏ tranh lấy tro pha vào nước canh. Thom bắt đầu bệnh khi cái bụng đã to. 
Nó phát điên lên. Đã quá muộn để làm một cuộc hành trình về Đà Lạt, vì nó sẽ bị bắt ngay sau khi có người thấy nó. 

Hôm đó nó quyết định sẽ lấy một ít muối, một ít đồ ăn, xin đầu thú và xuống xin cho Thom được chăm sóc với cái bụng bầu. 

Nó lẻn vào kho, nó không hề để ý là mọi sự canh gác đều nới lỏng hơn sau mấy lần lấy không được. Trong đầu nó lúc này chỉ còn có hình ảnh của Thom đang vật vã. Nó đem đồ ăn về cho Thom. Thom ăn lấy ăn để, nó cũng thèm, nó cũng bị thiếu muối nhưng nó nhìn Thom ăn là nó đủ no rồi. 

Đúng lúc đấy thì bọn cai xông vào. Bọn nó giăng bẫy để bắt cả hai. Bọn nó đuổi cả hai ra tới đường lộ. Bọn nó vung thẳng dùi cui vào mặt Thom mặc cho cái bụng bầu. Bọn nó đạp thẳng vào người nó để trả thù cho những khiển trách về việc làm xổng người. Bọn nó đánh thẳng tay vì cho rằng bọn hạ đẳng không được ăn chung đồ ăn của bọn nó. Bọn nó đánh thẳng tay vì bọn nó mặc áo có cổ, còn hai con vật đáng thương chỉ quấn một cái khố, để phân biệt với bọn thú vật hoang dã trong rừng. Bọn nó đánh thẳng tay chỉ vì đơn giản bọn chúng là bọn chúng.

Nó co người bảo vệ Thom và đứa con. Nó run lên vì đói. Nó run lên vì thiếu muối. Nó run lên vì tức giận. Nó run lên vì nó bất lực không lo được cho Thom. 

Hôm ấy, bà vợ Léon đã xin cho hai người với Léon. Và với thân phận là một vị tướng, ông đã đem nó và Thom về Đà Lạt.   

Thằng mọi đột nhiên quỳ xuống trước mặt vợ chồng Léon. Nó nấc lên
- Tôi là Klok, người Lạch. Con tôi, xin ngài cho nó cái tên Klom, om theo tên mẹ nó. Xin ngài cho nó một con đường sống. 
Nói xong thằng mọi đứng dậy, bước qua bên phải lò sưởi, với tay lấy khẩu Winchester, chạy ra ngoài sân. Đứng nhìn về con suối của buôn Lạch, nơi tuổi thơ của nó được lớn lên. Rồi nó kê nòng súng vào cổ, đoạn bóp cò. 

Klom được vợ chồng Léon đem theo vào ngày hôm sau về Sài Gòn. Khẩu winchester được đích thân Léon khắc dòng chữ KTK1905 trên đường về Pháp. Thom và nó được chôn cất cạnh nhau ở một ngọn đồi gần Lac des Soupirs phía bên ngoài Đà Lạt.

Huy Phong
 

Mail to: phonghtn@gmail.com
  • Những bài cũ hơn
  • Đêm nghe biển hát (12/1/2005)
  • 3h (12/1/2005)
  • Giấc mộng (12/7/2005)
  • Thời gian (12/7/2005)
  • Cúc đại đóa (12/7/2005)
  • ADSL (12/7/2005)
  • Sân ga (12/13/2005)
  • Về vội (12/13/2005)
  • Con ngoan (12/15/2005)
  • Chuyển khẩu (12/15/2005)
  • Tìm kiếm:    Tìm
    Chủ đề khác:
    blog comments powered by Disqus