Huy Phong - moingaymotniemvui.com-huyphong.com
trang chủ | ảnh | phonghtn@gmail.com
Thuốc lá
Huy Phong4/5/2006

I

 

Tôi hút thuốc lần đầu khi tôi học lớp 7. Khi đó tính tò mò rất trẻ con và được sự khích lệ của bạn bè. Hơi thuốc đầu tiên khiến tôi ho sặc sụa và hơi thuốc thứ hai nó làm tôi vênh váo với bạn bè, những đứa xúi mình hút. Và tất nhiên, sau khi hoàn thành sứ mệnh xúi giục tôi hút thì chúng nó chuyển sang công đoạn 2 – đó là mách cô giáo.

 

Không phải nói là cô đã ngạc nhiên thế nào khi thấy tôi trả lời rành rọt câu hỏi “em hút thuốc à” – “dạ”. Tất nhiên là cái giá trả cho việc mình trông rất đàn ông trong bộ dạng một mét mốt và nặng ba nhăm cân thì bị đét đòn thẳng vào mông dăm bảy cái thì có xá gì.

 

Tôi hút tròn ba điếu đủ để hút vào phổi, hít vào thở ra, nhả khói chữ O nó ra chữ U và sau khi thấy sự lườm nguýt đáng sợ của cô bạn học thì tôi chột dạ. Ờ, cái sự đời nó thế, cái hèn của thằng đàn ông nó ăn vào tính cách mất rồi, thấy gái lườm là tịt một số thứ. Nhưng luận điểm đi kèm việc lườm là “hút thưốc có gì hay đâu, coi chừng tớ về mách mẹ”. Với tôi lúc đó, hút thuốc hay bỏ xừ đi chứ, nhưng cái lý do thứ nhì, mách mẹ, quả nhiên là đáng sợ. Mà hình như phụ nữ có tuyệt chiêu này thì phải. Lúc bé thì rảnh ra là hù mách mẹ, đến khi lấy nhau về rồi thì hở cái là hù ôm con về ngoại. Còn nhớ, mỗi lần mẹ ôm thằng em đón xe về ngoại là bố tôi lại xoăn xuýt lên, hãi thật. Cho nên, bạn tôi chỉ mới nhẹ nhàng bảo về nói mẹ tôi cung cấp thêm thuốc để hút là đủ để tôi bỏ ngay tắp lự. Thôi thì không làm đàn ông hút thuốc nữa, đành làm thằng đàn ông một mét mốt nặng ba nhăm cân vậy.

 

II

 

Lần thứ hai tôi hút thuốc là khi tôi xa nhà để bắt đầu đi bụi. Cứ chiều xuống, đứng ở ban công nhìn xuống xóm nước đen, thấy người đứng ngồi la liệt kẻ hút người chích, cả một khu ổ chuột, chợt chạnh lòng thấy mình cũng chẳng khác những con người trong kia, và tất nhiên, với một cảm giác như thế, nó cô đơn kinh khủng. Thế là tôi lại hút thuốc. Một gói một buổi chiều, không còn sợ bị mách mẹ hay mách ai khác, và cũng chẳng ai mách cả.

 

Và một tuần trôi qua trong êm đềm, chiều chiều rít thuốc ở ban công nhìn xuống dưới, thật là một cảnh trái nghịch, một bên đường là một dãy nhà cao cửa rộng, còn bên kia, chỉ 4m đường thôi, là khu ổ chuột đợi giải tỏa. Vài đứa trẻ con chạy lung tung, vài thằng nghiện đang vật vạ, bóng người thoắt ẩn thoắt hiện với những thúng cóc ổi mía ghim hay xe ba gác chở hành lặng lẽ đi về. Và ở trên này, tôi lơ đễnh nhìn mọi thứ với điếu thuốc trong tay, tôi rít thuốc như vô thức, tôi không cảm được gì, chỉ đơn giản là tôi có cảm giác được chia sẻ, một thứ cảm giác rất khó tả.

 

Và tôi có thói quen giữ bật lửa trong người từ đó. Với hai người xa lạ, để bắt đầu một câu chuyện, thật là khó nếu không phải là quen qua mạng. Thế thì với cái bật lửa hoặc một điếu thuốc, thật dễ dàng khi móc điếu thuốc ra “anh có lửa không” thế là nó bắt đầu một câu chuyện, một người bạn, và dĩ nhiên, có thể là một sự rắc rối. Nhưng khi đó, tôi chỉ thoáng nghĩ “ờ, chia một tí lửa, cũng dễ thương”.

III

Tôi bỏ thuốc cũng dễ dàng như tôi hút thuốc. Một tuần ngồi ban công rít thuốc ngắm dân tình thế thái thì tôi hết tiền, một lý do rất đơn giản. Và không tiền thì khỏi ăn, đừng nói hút thuốc. Thế là tôi bỏ. Nhưng nếu bạn hỏi: nếu có tiền, thì lúc đó có hút nữa không. Xin thưa là không, vì tôi nhận ra, nó không giải quyết được gì. Và ngay lúc này, tôi thừa sức hút mỗi ngày vài gói, nhưng tôi cũng không, vì tôi không thích và không muốn.

 

Bạn tôi bảo “bỏ thuốc dễ òm, tao bỏ hoài, lần này là lần thứ tám rồi”. Một người bạn khác lại bảo “Bỏ làm gì, đời có gì vui đâu, rượu không, bạn không, đến thuốc cũng bỏ thì chết cho rồi”. Người khác lại bảo “nghiện rồi, bỏ khó lắm”, kẻ nhẹ hơn thì bảo “thói quen rồi, bỏ làm sao bây giờ”.

 

Bố tôi có thói quen, sáng ngủ dậy, thò chân ra khỏi giường, hai mắt vẫn nhắm, thò hai chân vào dép là đi thẳng 3 bước, thò một tay rút ống điếu, tay kia rút đóm. Và thông qua một loạt động tác đã thành phản xạ: rút thuốc nhét vào ống, bật quẹt châm đóm, rít sòng sọc và ngồi vật xuống ghế, sau đó nhấc ấm trà đã pha từ đêm, rót vào cốc làm hết một cốc và ngồi lim dim, coi như xong bữa sáng. Một hôm tôi bảo “bố ơi, bố đừng hút nữa, hại lắm” Và từ hôm sau bố tôi không hút nữa, đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao bố có thể làm như vậy. Tôi hỏi, bố chỉ cười “mình hút thuốc, chứ không để thuốc hút mình”

 

IV

Tôi có căm hờn mùi thuốc lá lần đầu trong đời là khi tôi phải đi xe đò. Ngày trước, khi mà chiếc cá mập Toyota 12 chỗ là những chuyến tốc hành thì 12 chỗ là một con số mang tính chất tương đối, 16 người cho đến 20 là con số trung bình. Trong một hoàn cảnh như thế. Bắt đầu có những đấng nam nhi, để tỏ vẻ nam tính và hình ảnh lãng mạn đã rút thuốc ra hút. Lúc này, tôi cũng đã là một thằng đàn ông mét sáu nhăm, sáu hai cân, nhưng cũng mặt xanh mặt vàng vì hơi thuốc, đừng nói đến bọn trẻ con đang ở trên xe.

 

Một nỗi căm hờn dâng lên, tôi muốn hét lên “không hút nữa”, nhưng khốn nạn, thằng tài xế cũng phụ họa bằng cách rút thêm điếu nữa. Tôi quay sang năn nỉ thằng cha vừa hút “ anh đừng hút được không, mấy đứa bé này chịu không nổi”. Lần nào cũng thế, lần nào lên xe cũng ca bài ca này, có người dừng, có kẻ không. Và chỉ có tôi, ít nhất là tôi, khó chịu với chuyện đó, còn người khác, tôi không là họ, tôi không biết. Và tôi có ác cảm với những người hút thuốc lá. Nhất là hút nơi đông người.

 

Trong hãng tôi, có một anh hút thuốc nhiều lắm, phòng thì phòng máy lạnh, tiếc là sếp cũng hút, nên tôi chẳng can ngăn được gì. Nhưng trong một cái phòng nhỏ xíu, máy lạnh chạy vù vù thì hơi thuốc lan tỏa khắp phòng cho ta một cảm giác chẳng dễ chịu gì. Sự khó chịu tăng dần, và thành một phản xạ, cứ bốn giờ chiều, khi mà cả sếp và anh chàng kia cùng rít thuốc là tôi bỏ ra ngoài. Trong khi đúng ra ai hút thuốc thì ra ngoài thì tôi, một kẻ không hút, phải bỏ ra ngoài. Và kết thúc cái sự khói chịu đó là tôi bỏ việc.

 

V

Tôi trở thành một người cực đoan, trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Một trong số đó chính là việc rất ghét mùi thuốc lá. Có lần tôi đem điều này ra tâm sự với một người, người đó chỉ nói với tôi một câu “Sống, chưa thể biết mình đang làm người khác khó chịu về mình điều gì”. Tôi đã giật mình, và kể từ đó, tôi không còn để ý những thứ vặt vãnh xung quanh mình, những thứ có thể làm mình khó chịu, vì luôn xem, mình đã làm gì khó chịu cho xung quanh chưa.

 

Nhưng công nhận, hút thuốc nơi công cộng là điều tôi khó chịu nhất. Bạn tưởng tượng xem, trong một khung cảnh lãng mạn, chàng và nàng đang nhìn nhau, thỉnh thoảng liếc vào màn hình máy tính đang kết nối không dây. Xung quanh là bốn bức tường kính, máy lạnh chạy mát rượi, xung quanh là các khuôn mặt thông minh thanh tú, đàn ông. Thì đột nhiên một số kẻ bắt đầu rút thuốc ra hút. Một cảm giác thật kinh hoàng diễn ra trong lòng. Tôi tự nhủ, mình cần bình tĩnh, không nên manh động. Và giá như thằng cha kia là một con muỗi, tôi tin rằng tôi sẽ một đập cho nát bét ra. Kinh hoàng.

 

VI

 

Càng lớn, người ta càng trở nên hèn nhát hơn thì phải. Ngày còn nhỏ, thấy việc gì không phải, không bằng lòng, thì ít nhất tôi cũng lên tiếng. Còn ngay lúc này, trong quán café sang trọng dành cho người lịch sự này. Tôi cũng chỉ dám để lên status của yahoo “DM những thằng hút thuốc trong phòng máy lạnh”. Tự nhiên tôi thấy mình hèn quá.

 

Tôi gọi phục vụ “quán này có phòng nào dành cho những người không hút thuốc không?”, phục vụ lắc đầu. Tôi đành rút cây nến đem theo, đốt lên. Cũng là một ý không tệ, phải không.

 

 


Huy Phong
 

Mail to: phonghtn@gmail.com
  • Những bài cũ hơn
  • Lãng đãng cuối tuần (12/7/2005)
  • Sóng sông danube (12/7/2005)
  • Những cái ngã ba (12/7/2005)
  • Khúc giao mùa (12/7/2005)
  • Những tháng ngày vắng (12/7/2005)
  • Listen to the sea (12/7/2005)
  • Phiên chợ ba tư (12/7/2005)
  • Tuổi 19, xa rồi thời con gái (12/7/2005)
  • ONLINE! (12/7/2005)
  • Hoa sữa (12/7/2005)
  • Những bài mới hơn
  • 2046 (4/11/2006)
  • Dran (4/15/2006)
  • Rạp hát thiên đường (4/21/2006)
  • Viết cho những ngày mưa gió (7/7/2006)
  • Sài gòn mưa bất chợt (8/6/2006)
  • Mỗi ngày một câu (10/6/2006)
  • Xôi khúc (1/4/2007)
  • Bên ngoài cuộc đời (4/10/2007)
  • Cái gáo dừa (11/30/2010)
  • Cô gái - cái bánh (12/1/2010)
  • Tìm kiếm:    Tìm
    Chủ đề khác:
    blog comments powered by Disqus