Ka Đơn, một xã thuộc huyện Đơn Dương với khoảng cách 20km so với ngã 3 Finom hay 10 Km đi ngang quốc lộ 20 đi Phan Rang. Như mọi nơi khác, khi mà tờ lịch đã bóc sang đến tờ chỉ ngày cận tết non một tuần thì không khí nó cũng khang khác một chút.
Hôm qua 23 tháng chạp, ông táo rủ nhau về trời báo cáo tóm tắt tình hình ở dưới bếp cho Ngọc Hoàng thượng đế. Ka Đơn chiều qua cũng không có gì sôi nổi lắm cho sự kiện này. Có lẽ đa phần dân trong xã từ ngoài bắc vào, nên ngày ông táo về trời cũng không có gì sôi nổi lắm. Trừ một ít gia đình người nam. Một mâm cơm, vài món đơn giản, gà thì dịch, không dám ăn, lại thịt heo, cá đồng. Kết hợp tiễn táo về trời là vài chén rượu tất niên.
24 tết, tức là ngót một tuần nữa là năm con gà - Ất Dậu đến thay chỗ cho năm con khỉ - Giáp Thân. Nhưng không khí tết nhất vẫn chưa có gì nhộn nhịp lắm tại Ka Đơn vốn lặng lẽ quanh năm. Điều dễ nhận thấy nhất trong cái tết năm nay là sự rên rẩm về vật giá leo thang. Tết thì sắp đến, mà cái gì cũng đắt. "Thịt heo lên giá quá, thịt nọng () cách đây không lâu khoảng 12 ngàn, 13 ngàn thì nay 16 ngàn/kg. Thịt ba chỉ đã 26 ngàn trong khi lúc trước 18 ngàn/kg...", chị Bích Vân tâm sự. Đến lá chuối gói bánh chưng cũng lên giá, năm ngoái 1ngàn/kg thì năm nay đã 1ngàn rưỡi/kg. Tết nhất phải có nồi bánh, trước cúng ông bà, sau là biếu họ hàng mà mọi thứ nó leo thang thế này, chắc nồi bánh năm nay sẽ "nhẹ" bớt quá, nhiều người cười buồn tâm sự với tôi.
Một năm chỉ ba ngày tết, lam lũ làm việc cũng chỉ dành ba ngày thiêng liêng trong lúc năm cũ năm mới giao nhau để gần gũi nhau. Ăn bận đẹp đẽ, trẻ con gặp ông bà, nhận bao lì xì. Tất cả những điều đó nó như một thủ tục không thể thiếu được trong một gia đình nào. Nhưng cạnh những sự háo hức vui vẻ đó, là những cái lo âu, mà trẻ con, chúng sẽ không hiểu được cho đến khi chúng có một gia đình cho riêng mình. Kinh tế Ka Đơn chủ yếu dựa vào rau và nông sản. Năm nay tiền phân bón và thuốc trừ sâu lên giá. Đến xăng dầu để bơm nước tưới cũng lên. Nhưng mà hàng rau và nông sản thì bán không được giá. Cụ thể,
Cà chua: 2000/kg. Đậu Hà Lan: 7000/kg so với 19000/kg trước đây. Còn riêng cải muối dưa thì không bán được do quá rẻ. Ông Ja-Nin, một nhà nông người Churu ở Krang-Chớ cho biết.
Nhưng tết vẫn là tết, không thể thiếu củ kiệu, dưa món. Mỗi nhà, ít hay nhiều cũng thái ít dưa chuột, củ cải, cà rốt, su hào đem đi phơi, mùi hăng hắc bay lên làm ít nhiều không khí tết đang về. Vào ngày 26 tết (tức ngày 4/2/2005) tại nhà demdalat2004 sẽ gói bánh chưng tết, các hình ảnh gói bánh chưng sẽ được đăng trực tuyến tại địa chỉ http://www.dalatrose.com/
Tạp bút xuân Ka Đơn
Nồi bánh cho người nghèo
"Năm ngoái mình gói được 600 cái bánh chưng, năm nay có lẽ hơn, khoảng 700 cái", ông Ha Sơn ngừng tay chẻ lạt cho tôi hay. Năm nay ở Ka Đơn, cộng đồng người góp gạo người góp thịt, đã cùng nhau gói khoảng 700 cái bánh chưng cho những người nghèo với tên gọi "hơi ấm", hay "tết cho người nghèo". Sáng nay, từ sáng sớm, các xe chở gạo, thịt, tre, nồi nấu bánh đã tập trung lên nhà thờ Ka Đơn để chuẩn bị gói bánh.
Không khí nóng lên từ từ khi các bà, các mẹ người churu, k'ho cũng lên gian chính căn nhà dạy giáo lý được trưng dụng làm nơi tập trung gói bánh. Một cảnh tượng hoành tráng đang diễn ra, cả một nhà ngập lá chuối xanh, và ngồi xen kẽ là các mẹ dân tộc, vài em học sinh, đàn ông, phụ nữ, cười nói rôm rả, tay thoăn thoắt. Mặc dù tôi biết giờ đã là 26 tết, việc nhà còn bừa bộn lắm.
Để gói một cái bánh chưng, ban đầu là những chiếc lá chuối hoặc lá dong được xếp cẩn thận chéo nhau, gọi là làm lá. Những xấp lá xong thì vuông vức khi bỏ vào khuôn vuông thì vừa khít. Trải một lớp gạo nếp đã ngâm khoảng 2 đến 3h trước. Sau đó là một lớp nhân là đậu xanh đã nấu chín mềm, trộn với tiêu và muối. Một miếng thịt heo vừa nạc vừa mỡ đã ướp muối hạt tiêu vào. Sau đó thêm một lớp gạo nữa và đóng gói. Nói thì nói như thế, nhưng mỗi công đoạn đều làm hết sức tỉ mỉ. Nhất là đoạn đóng gói. Nếu gói lỏng quá, thì sau khi luộc, cái bánh sẽ méo mó, trông hết sức mất thẩm mĩ và nó sẽ bị nhão. Bà Đam, người có thâm niên hơn 40 gói bánh chưng với khả năng gói bánh không cần khuôn mà không thua bất kì cái bánh nào được gói bằng khuôn vui vẻ tiết lộ bí quyết gói bánh của mình "ngâm gạo khoảng 2 tiếng thôi, ngâm lâu quá không ngon. Khi nấu thì phải có bí quyết, coi chừng khê, sống. Hơn nữa, một chút cà cuống trộn vào đậu xanh sẽ tăng hương vị cái bánh".
Tại nhà thờ Ka Đơn, không khí vẫn đang hết sức sôi nổi. Bên trong nhà là tốp gói bánh, bên ngoài các ông đang ngồi chẻ lạt, tốp khác đang chẻ củi bằng những cái rìu có sừng của người k'ho trông thật hoành tráng. Tôi đếm cả thảy có 8 cái bếp đang được đào để đêm nay luộc. Vậy là có 8 nồi bánh chưng sẽ sục sôi đêm nay để có 700 cái bánh chưng cho những người nghèo được ăn tết. Tôi thấy có một cái nồi đang được nấu ở cái lò đầu tiên. Tôi tò mò "Dạ, cái nồi này là nấu thử ạ". Anh Linh, ngừng cái xà-beng đang đào lò, cười "nồi nước sôi để nấu mì gói trưa nay cho mọi người.".
Đêm nay, mọi người sẽ cắt nhau canh nồi bánh chưng, chắc chắn sẽ là những giây phút hết sức ấm cúng và mọi người, làng xóm láng giềng, sẽ có cơ hội bên nhau, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn suốt năm qua.
Canh bánh chưng 7h tối, bầu trời chỉ có những ánh lấp lánh của vài vì sao lẻ loi. Dưới này, 8 nồi bánh chưng đang sôi sùng sục. Hai đứa trẻ ngồi nắm tay nhau bên nồi bánh chưng trông thật dễ thương. Được một lát thì thêm vài bạn nữa đến, ôm cây đàn ghi-ta, các bản nhạc đạo, nhạc đời, nhạc trẻ được hát đồng ca với tiếng vỗ tay nhịp và nét mặt hân hoan của mọi người. Xen kẽ với các bài hát là các câu chuyện rời rạc của thế hệ trước về một Ka Đơn cũ, nghèo và lạc hậu. Tất cả những điều đó đã tạo nên nét rất riêng với niềm hạnh phúc giữa tình cảm xóm giềng với nhau.
Những chiếc áo “Cũ người mới ta” Tôi nhận được tin nhắn của một người bạn gửi 6 thùng quần áo cũ gom được từ TP HCM gửi lên Đà Lạt cho tôi đem về Ka Đơn. 29 tết 2 cha con chạy hơn 50km lên Đà Lạt. Nhìn đống thùng quần áo, hai cha con nhìn nhau, chưa biết có thể chở về hết không. Cột các thùng vào nhau, chạy như thồ hàng. Vừa qua đầu đèo Pren, cha tôi bị quẹt xe với chiếc xe chạy trước, thật may, không có thiệt hại nào xảy ra. Lại 50km trôi qua với hai cái bánh xe đã mòn vẹt. Con đường đá làm xiên vẹo chiếc xe, nhưng những mệt mỏi đã tan biến khi tôi quyết định đem hết những thùng này lên góp chung với nhà thờ để làm quà tết cho hơn 250 hộ nghèo sẽ được phát quà vào ngày hôm sau.
Những phần quà “hơi ấm” 30 tết, ngày cuối năm, sáng sớm, những hộ có thông báo nhận quà tết, đã xếp hàng ở ngay nơi gói bánh chưng cách đó hai hôm. Một phần quà gồm một cặp bánh chưng, một kg đường cát, nửa gùi gạo, ít bánh mứt và một hai bộ quần áo, cả cũ cả mới. Không nhiều, nhưng nó đượm hơi ấm tình làng nghĩa xóm với nhau.
Một năm có 365 ngày với chuyện cày cuốc cơm áo gạo tiền đã làm mất đi không ít tình cảm láng giềng. Và rồi như những vòng xoay định trước, một năm nữa lại đi, lại đến và với từng chút hơi ấm truyền nhau, cái tình người, cái tình hàng xóm, lại được thắp lên, như là lời động viên nhau đi tiếp những gian khó đang đứng đợi phía trước. Và nó sẽ không là gì cả, khi mà niềm tin vào cuộc sống, vào tình cảm con người được chia nhau, nhân đôi và truyền đến mọi người.
Bà Đam đang xếp lá
Mọi người đang gói bánh
Thành phẩm
Nồi nước để nấu mì ăn trưa
Hai đứa trẻ đang đánh đu trong khi người lớn đang lo cho nồi bánh
Copyright by huyphong.com, All rights reserved. Contact us Mọi thông tin, bài viết, hình ảnh trong website này phải được sự đồng ý của tác giả mới được phát hành tại nơi khác. Ghi rõ nguồn "huyphong.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Thông tin tài khoản:
Chủ tài khoản: Nguyễn Trần Huy Phong Số Tài Khoản: 0071002598912 Ngân hàng ngoại thương TP HCM, chi nhánh Bến Thành