Huy Phong - moingaymotniemvui.com-huyphong.com
trang chủ | ảnh | phonghtn@gmail.com
Xuân Ka Đơn
Huy Phong12/28/2005

Cho một cái xuân cũ

Xuân bốn phương, xuân Ka Đơn

 

Ka Đơn, một xã thuộc huyện Đơn Dương với khoảng cách 20km so với ngã 3 Finom hay 10 Km đi ngang quốc lộ 20 đi Phan Rang. Như mọi nơi khác, khi mà tờ lịch đã bóc sang đến tờ chỉ ngày cận tết non một tuần thì không khí nó cũng khang khác một chút.

 

Hôm qua 23 tháng chạp, ông táo rủ nhau về trời báo cáo tóm tắt tình hình ở dưới bếp cho Ngọc Hoàng thượng đế. Ka Đơn chiều qua cũng không có gì sôi nổi lắm cho sự kiện này. Có lẽ đa phần dân trong xã từ ngoài bắc vào, nên ngày ông táo về trời cũng không có gì sôi nổi lắm. Trừ một ít gia đình người nam. Một mâm cơm, vài món đơn giản, gà thì dịch, không dám ăn, lại thịt heo, cá đồng. Kết hợp tiễn táo về trời là vài chén rượu tất niên.

 

 

24 tết, tức là ngót một tuần nữa là năm con gà - Ất Dậu đến thay chỗ cho năm con khỉ - Giáp Thân. Nhưng không khí tết nhất vẫn chưa có gì nhộn nhịp lắm tại Ka Đơn vốn lặng lẽ quanh năm. Điều dễ nhận thấy nhất trong cái tết năm nay là sự rên rẩm về vật giá leo thang. Tết thì sắp đến, mà cái gì cũng đắt. "Thịt heo lên giá quá, thịt nọng () cách đây không lâu khoảng 12 ngàn, 13 ngàn thì nay 16 ngàn/kg. Thịt ba chỉ đã 26 ngàn trong khi lúc trước 18 ngàn/kg...", chị Bích Vân tâm sự. Đến lá chuối gói bánh chưng cũng lên giá, năm ngoái 1ngàn/kg thì năm nay đã 1ngàn rưỡi/kg. Tết nhất phải có nồi bánh, trước cúng ông bà, sau là biếu họ hàng mà mọi thứ nó leo thang thế này, chắc nồi bánh năm nay sẽ "nhẹ" bớt quá, nhiều người cười buồn tâm sự với tôi.

 

 

Một năm chỉ ba ngày tết, lam lũ làm việc cũng chỉ dành ba ngày thiêng liêng trong lúc năm cũ năm mới giao nhau để gần gũi nhau. Ăn bận đẹp đẽ, trẻ con gặp ông bà, nhận bao lì xì. Tất cả những điều đó nó như một thủ tục không thể thiếu được trong một gia đình nào. Nhưng cạnh những sự háo hức vui vẻ đó, là những cái lo âu, mà trẻ con, chúng sẽ không hiểu được cho đến khi chúng có một gia đình cho riêng mình. Kinh tế Ka Đơn chủ yếu dựa vào rau và nông sản. Năm nay tiền phân bón và thuốc trừ sâu lên giá. Đến xăng dầu để bơm nước tưới cũng lên. Nhưng mà hàng rau và nông sản thì bán không được giá. Cụ thể,

Cà chua: 2000/kg. Đậu Hà Lan: 7000/kg so với 19000/kg trước đây. Còn riêng cải muối dưa thì không bán được do quá rẻ. Ông Ja-Nin, một nhà nông người Churu ở Krang-Chớ cho biết.

 

Nhưng tết vẫn là tết, không thể thiếu củ kiệu, dưa món. Mỗi nhà, ít hay nhiều cũng thái ít dưa chuột, củ cải, cà rốt, su hào đem đi phơi, mùi hăng hắc bay lên làm ít nhiều không khí tết đang về. Vào ngày 26 tết (tức ngày 4/2/2005) tại nhà demdalat2004 sẽ gói bánh chưng tết, các hình ảnh gói bánh chưng sẽ được đăng trực tuyến tại địa chỉ http://www.dalatrose.com/

 

Tạp bút xuân Ka Đơn


Nồi bánh cho người nghèo

"Năm ngoái mình gói được 600 cái bánh chưng, năm nay có lẽ hơn, khoảng 700 cái", ông Ha Sơn ngừng tay chẻ lạt cho tôi hay. Năm nay ở Ka Đơn, cộng đồng người góp gạo người góp thịt, đã cùng nhau gói khoảng 700 cái bánh chưng cho những người nghèo với tên gọi "hơi ấm", hay "tết cho người nghèo". Sáng nay, từ sáng sớm, các xe chở gạo, thịt, tre, nồi nấu bánh đã tập trung lên nhà thờ Ka Đơn để chuẩn bị gói bánh.

Không khí nóng lên từ từ khi các bà, các mẹ người churu, k'ho cũng lên gian chính căn nhà dạy giáo lý được trưng dụng làm nơi tập trung gói bánh. Một cảnh tượng hoành tráng đang diễn ra, cả một nhà ngập lá chuối xanh, và ngồi xen kẽ là các mẹ dân tộc, vài em học sinh, đàn ông, phụ nữ, cười nói rôm rả, tay thoăn thoắt. Mặc dù tôi biết giờ đã là 26 tết, việc nhà còn bừa bộn lắm.

Để gói một cái bánh chưng, ban đầu là những chiếc lá chuối hoặc lá dong được xếp cẩn thận chéo nhau, gọi là làm lá. Những xấp lá xong thì vuông vức khi bỏ vào khuôn vuông thì vừa khít. Trải một lớp gạo nếp đã ngâm khoảng 2 đến 3h trước. Sau đó là một lớp nhân là đậu xanh đã nấu chín mềm, trộn với tiêu và muối. Một miếng thịt heo vừa nạc vừa mỡ đã ướp muối hạt tiêu vào. Sau đó thêm một lớp gạo nữa và đóng gói. Nói thì nói như thế, nhưng mỗi công đoạn đều làm hết sức tỉ mỉ. Nhất là đoạn đóng gói. Nếu gói lỏng quá, thì sau khi luộc, cái bánh sẽ méo mó, trông hết sức mất thẩm mĩ và nó sẽ bị nhão. Bà Đam, người có thâm niên hơn 40 gói bánh chưng với khả năng gói bánh không cần khuôn mà không thua bất kì cái bánh nào được gói bằng khuôn vui vẻ tiết lộ bí quyết gói bánh của mình "ngâm gạo khoảng 2 tiếng thôi, ngâm lâu quá không ngon. Khi nấu thì phải có bí quyết, coi chừng khê, sống. Hơn nữa, một chút cà cuống trộn vào đậu xanh sẽ tăng hương vị cái bánh".

Tại nhà thờ Ka Đơn, không khí vẫn đang hết sức sôi nổi. Bên trong nhà là tốp gói bánh, bên ngoài các ông đang ngồi chẻ lạt, tốp khác đang chẻ củi bằng những cái rìu có sừng của người k'ho trông thật hoành tráng. Tôi đếm cả thảy có 8 cái bếp đang được đào để đêm nay luộc. Vậy là có 8 nồi bánh chưng sẽ sục sôi đêm nay để có 700 cái bánh chưng cho những người nghèo được ăn tết. Tôi thấy có một cái nồi đang được nấu ở cái lò đầu tiên. Tôi tò mò "Dạ, cái nồi này là nấu thử ạ". Anh Linh, ngừng cái xà-beng đang đào lò, cười "nồi nước sôi để nấu mì gói trưa nay cho mọi người.".

Đêm nay, mọi người sẽ cắt nhau canh nồi bánh chưng, chắc chắn sẽ là những giây phút hết sức ấm cúng và mọi người, làng xóm láng giềng, sẽ có cơ hội bên nhau, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn suốt năm qua.

Canh bánh chưng
7h tối, bầu trời chỉ có những ánh lấp lánh của vài vì sao lẻ loi. Dưới này, 8 nồi bánh chưng đang sôi sùng sục. Hai đứa trẻ ngồi nắm tay nhau bên nồi bánh chưng trông thật dễ thương. Được một lát thì thêm vài bạn nữa đến, ôm cây đàn ghi-ta, các bản nhạc đạo, nhạc đời, nhạc trẻ được hát đồng ca với tiếng vỗ tay nhịp và nét mặt hân hoan của mọi người. Xen kẽ với các bài hát là các câu chuyện rời rạc của thế hệ trước về một Ka Đơn cũ, nghèo và lạc hậu. Tất cả những điều đó đã tạo nên nét rất riêng với niềm hạnh phúc giữa tình cảm xóm giềng với nhau.


Những chiếc áo “Cũ người mới ta”
Tôi nhận được tin nhắn của một người bạn gửi 6 thùng quần áo cũ gom được từ TP HCM gửi lên Đà Lạt cho tôi đem về Ka Đơn. 29 tết 2 cha con chạy hơn 50km lên Đà Lạt. Nhìn đống thùng quần áo, hai cha con nhìn nhau, chưa biết có thể chở về hết không. Cột các thùng vào nhau, chạy như thồ hàng. Vừa qua đầu đèo Pren, cha tôi bị quẹt xe với chiếc xe chạy trước, thật may, không có thiệt hại nào xảy ra. Lại 50km trôi qua với hai cái bánh xe đã mòn vẹt. Con đường đá làm xiên vẹo chiếc xe, nhưng những mệt mỏi đã tan biến khi tôi quyết định đem hết những thùng này lên góp chung với nhà thờ để làm quà tết cho hơn 250 hộ nghèo sẽ được phát quà vào ngày hôm sau.



Những phần quà “hơi ấm”
30 tết, ngày cuối năm, sáng sớm, những hộ có thông báo nhận quà tết, đã xếp hàng ở ngay nơi gói bánh chưng cách đó hai hôm. Một phần quà gồm một cặp bánh chưng, một kg đường cát, nửa gùi gạo, ít bánh mứt và một hai bộ quần áo, cả cũ cả mới. Không nhiều, nhưng nó đượm hơi ấm tình làng nghĩa xóm với nhau.


Một năm có 365 ngày với chuyện cày cuốc cơm áo gạo tiền đã làm mất đi không ít tình cảm láng giềng. Và rồi như những vòng xoay định trước, một năm nữa lại đi, lại đến và với từng chút hơi ấm truyền nhau, cái tình người, cái tình hàng xóm, lại được thắp lên, như là lời động viên nhau đi tiếp những gian khó đang đứng đợi phía trước. Và nó sẽ không là gì cả, khi mà niềm tin vào cuộc sống, vào tình cảm con người được chia nhau, nhân đôi và truyền đến mọi người.

 





Bà Đam đang xếp lá


Mọi người đang gói bánh

 




Thành phẩm


Nồi nước để nấu mì ăn trưa

 


Hai đứa trẻ đang đánh đu trong khi người lớn đang lo cho nồi bánh


 


 

Chẻ lạt


Chẻ củi


 


 

Chẻ củi

 




Đào bếp luộc bánh


Gói bánh


 

 

 


Huy Phong
 

Mail to: phonghtn@gmail.com
Danh sách bài viết
  • Xuân Ka Đơn - Huy Phong(12/28/2005)
  • Bao mat - Truong(3/16/2006)
  • Bài viết
    Bài của Huy Phong (12/28/2005)

    Xuân Ka Đơn

    30 tết.
    Sáng, trời se lạnh, những cánh đào nở sớm còn đọng sương đang rung rinh trước hiên nhà, từng đợt khói nhả ra từ mái bếp khiến cho xuân càng lúc càng đến một cách rộn ràng. Và nốt miếng cơm rang, tôi vội chạy đi kiếm ít củi để chiều luộc bánh chưng. Đem được mấy khúc củi to to về nhà thì ở nhà trông cứ như là đang chuẩn bị sang nhà mới vậy. Đứa thì đang đem hết chăn màn ra phơi, đứa thì đang gỡ mấy tấm lịch cũ vốn được dán vào vách cho kín giữa hai miếng ván luôn hở ra khi mùa khô về. Quét mạng nhện, dán lại miếng tường. Chạy đi mượn cái nồi to để luộc bánh chưng. Năm nào cũng từng đó chuyện mà sao lúc nào cũng thấy nao nao, nhớ nhớ.
    Chiều, cả nhà túm tụm lại gói bánh chưng, thịt heo, đậu xanh, nếp dẻo, từng bó lá dong rửa sạch, cắt gân xếp gọn gàng trên chiếc chiếu to đùng. Ba tôi gói rất nghề, chẳng cần khuôn, chỉ có hai bàn tay khéo léo thế mà trông chiếc bánh vuông vức còn hơn cả cái bánh được em tôi gói bằng khuôn. “Luộc xong, cái nào bố gói thì đem biếu, còn lại cái nào mà bé Linh gói thì mai mốt bé Linh ăn cho bằng hết nhé”. Vừa gói bố tôi vừa trêu cái Linh. Rồi từng kỉ niệm khi còn bé của từng người được lần lượt đem ra kể, mười mấy kí gạo nếp lần lượt biến thành mấy chục cái bánh xuông vức, xanh tươi như là trời đất giao mùa.
    Tối, lần lượt xếp các cái bánh vào nồi cho bằng hết thì vẫn còn trống trống. Bà hàng xóm xách cái giỏ qua. “Tôi biết thế nào cũng còn chỗ nên tôi đem sang nhờ bác mấy đòn bánh tét”. Vừa nói bà hàng xóm vừa xếp mấy đòn bánh tét vào nồi. Rồi thằng bé con nhà bà hàng xóm kéo sềnh sệch hai khúc củi mục sang gọi là giúp tí lửa. Từng đốm lửa nổ lách tách hắt lên vách lúc xiêu lúc vẹo như phụ họa tiếng đàn của tôi cùng nhịp hát của cả nhà “xuân đã về muôn nơi…”

    Giao thừa

    Đã bao lâu rồi không còn tiếng pháo báo xuân sang cũng là từng đó lâu kađơn đón giao thừa trong lặng lẽ. Buổi chiều nhà thờ có chầu cuối năm đến tám giờ tối là ai về nhà nấy. Không khí vẫn lặng lẽ hoà quyện trong cái lạnh cuối năm. Từng đợt khói nhả ra từ các mái nhà báo hiệu nồi bánh chưng sắp vớt. Vài đứa trẻ túm tụm bên bờ ruộng chất những vỏ bánh xe hỏng đốt lên như xua tan đi cái lạnh và mong xuân mau đến hơn.
    Cửa hàng tạp hóa ráng mở đến giao thừa mong bán thêm được gói mứt nhưng đã đến giờ mọi người đã tề tựu bên gia đình nhỏ của mình hết rồi. Bà chủ quán nhìn những con thiêu thân bay bay quanh bóng đèn mà cũng dợm đóng cửa. Bà bảo cũng tranh thủ bán cho những ai vì công việc mà giao thừa đến nơi mà chưa mua chút gì cho năm mới thì có chỗ mà mua. Ai cũng đóng cửa lo cho mình thì biết ai chia sẻ…
    Kim dài của chiếc đồng hồ đã chỉ sang số chín, chỉ còn mươi mười lăm phút là sang năm mới. Lửa đã tắt, mấy đứa nhỏ đã bỏ về nhà, bà chủ quán đóng cửa, những cô tranh thủ làm đầu cũng đã có mái tóc mới, các bà mẹ đã tranh thủ lấy được quần áo mới cho con cái đem về, chỉ trong chốc lát tất cả chỉ còn những ánh đèn hắt qua cửa sổ hiện bóng những gia đình đang lăng xăng bày biện mâm hoa quả, bánh chưng. Đồng hồ nhích dần đến số mười hai. Rồi bất chợt tất cả lặng đi trong giây lát. Một cơn gió thoảng qua xôn xao tán cây phía trước đem đến mùi hương trầm, mùi cây cỏ giao hòa cùng trời đất. Tất cả cùng thoáng qua, thoáng qua, nhẹ nhàng, trời đất chìm trong một màu đen tĩnh lặng, yên bình như báo hiệu một năm mới ấm no, yên vui hơn cho vùng đất xa xôi.

    Ngày đầu năm


    Bốn giờ sáng, tiếng chuông từ nhà thờ đổ vọng ngân vang như chào đón xuân về làm bừng tỉnh mọi người. Cả nhà dậy chuẩn bị đi nhà thờ, quần áo chỉnh tề, ba anh em đứng xếp hàng chúc tết ba mẹ rồi nhận phong bao lì xì đỏ chói. Tiếng bước chân, tiếng nói xôn xao từ xa đến gần, rồi gần hơn, nghe rõ tiếng nói, tiếng cười, tuy không to nhưng cũng đủ rõ để hiểu câu chuyện đầu năm của mọi người liên quan đến vụ mùa, cây giống, con trồng. Nhà thờ ngày càng đông người, nhìn mặt ai cũng rạng rỡ, những bà mẹ Chu-Ru, K’Ho địu con đi nhà thờ, nhìn những gương mặt bầu bĩnh với ánh mắt đen láy mở to, ai cũng thấy rồi đây chúng sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn như buổi sáng bình minh này.
    Ngày đầu năm, cha chánh xứ trong bài giảng của mình có bàn về hai chữ hạnh phúc, hạnh phúc là do mỗi người, mỗi người tự định nghĩa phần hạnh phúc của mình và phải tự tìm kiếm lấy trong cuộc sống của chính mình. Năm nay có nét mới trong bài giảng của cha chánh xứ là cha không còn nhắc nhở việc rượu chè, cờ bạc trong dịp tết mà cha giảng về hạnh phúc. Vâng, có lẽ đã đến năm mà mọi người đã nghĩ đến những điều hạnh phúc giản đơn nhưng đầm ấm, không còn bóng dáng của ma men và những lá bài tây quyến rũ nữa.

     
    Bài của Truong (3/16/2006)

    Bao mat

     

    Bác HP thân mến, bác xem lại cái editor này. Có vẻ như là lỗ hổng bảo mật đấy.

     

    Upload image, em chọn file có tên= abc.jpg.asp, upload ok.

     
  • Những bài cũ hơn
  • Tạp bút xuân Ka Đơn (12/16/2005)
  • Giáng sinh Ka Đơn (12/24/2005)
  • Khát vọng Ka Đơn (12/28/2005)
  • Những bài mới hơn
  • Em tôi và những con gà (12/31/2005)
  • Ở đó, họ đang sống như thế nào (3/11/2006)
  • Bình yên Ka Đơn (9/13/2006)
  • Trẻ con Ka Đơn - chuẩn bị năm học mới (9/27/2009)
  • Cà...chua (1/4/2010)
  • Tình làm thuê (12/18/2011)
  • Tìm kiếm:    Tìm
    Chủ đề khác:
    blog comments powered by Disqus