Có một hôm đẹp trời tôi được xem bộ phim nói tiếng Ý “cinema paradiso”, kể về một cái rạp hát tên “paradiso” tại một thị trấn nhỏ ở Ý. Kí ức lại ùa về trong tôi, khi mà những ngày tháng êm đềm và ngọt ngào nhất của tôi nó gắn liền với một cái rạp hát như thế.
Tuổi thơ của tôi chỉ quanh quẩn cái phòng nhỏ trên lầu 3 của một tiệm vàng cũ. Tiếp đến là con đường đến lớp mẫu giáo mà những hôm đi học một mình là một cực hình vì rất sợ một ông ở đầu đường hù dọa. Tiếp đó là tung tăng đến lớp. Những buổi tối cuối tuần, bố lóc cóc đạp xe ra thăm hai mẹ con thì thỉnh thoảng có tiết mục đi xem xi-nê. Thật tuyệt, cái cảm giác ngồi trong rạp xem màn ảnh rộng, chao ôi là say mê.
Đó là một cái rạp chiếu bóng duy nhất của thị trấn Lạc Nghiệp. Đến bây giờ tôi không thể nhớ nó to hay rộng bao nhiêu, nhưng chắc chắn khi đó tôi rất nhỏ. Nhỏ đến mức mà cái cửa sắt của rạp bị gãy 1 thanh sắt nhỏ cũng đủ để tôi lọt vào. Khi đó, những năm 85-86, mua một vé xem phim là một cực hình cho mọi người. Tôi còn nhớ, mọi người đạp lên vai nhau chỉ để chìa tay vào mua vé. Còn tôi thì với lợi thế nhỏ con, tôi chui vào luôn, leo thẳng lên lầu (giống cậu bé trong phim cinema paradiso) gặp chú Nghĩa (nhân viên kĩ thuật, lúc đó đang tán tỉnh cô giáo dạy mẫu giáo ngay dưới tầng một căn nhà tôi đang ở.
Xem như khâu quan trọng nhất là khâu mua vé thì tôi đã giải quyết xong. Rồi sau đó chỉ việc ngồi lọt thỏm giữa bố mẹ và bắt đầu những cảm xúc khác nhau. Còn nhớ lần đầu được xem phim, tôi đã chết khiếp khi thấy từ xa có một đoàn người cưỡi ngựa chạy thẳng về phía mình. Tôi đã hét lên và hụp đầu xuống, mọi người cười ầm lên. Còn tôi thì thắc mắc chẳng hiểu họ chạy đi đâu rồi.
Bố tôi lấy mẹ tôi xong vẫn phải chịu cảnh một cảnh hai quê. Hàng tuần bố tôi lọc cọc đạp xe từ Próh ra Lạc Nghiệp thăm mẹ tôi, khi thì đèo theo quả bí, lúc thì con cá. Gặp nhau cuối tuần rồi lại về. Có lẽ những lúc đi xem phim, là những phút hạnh phúc nhất, cùng xem, cùng trò chuyện, cùng hướng về màn ảnh. Kể cả ngay lúc này, khi mà không cần phải ra rạp nữa thì chỉ cần vài phút là bố tôi có thể ngủ gật ngay. Thật tiếc, rạp hát ngày xưa hình như giờ đây không còn chiếu phim nữa, nếu có, chắc chắn tôi sẽ tặng hai cụ một cặp vé cuối tuần ngay.
Một cái rạp chiếu bóng, nó chính là biểu tượng cho sự văn minh. Hẳn nhiên là thế, người ta có thể theo dõi trí tưởng tượng của người khác và đắm đuối theo những suy nghĩ của mình, những hỉ nộ ái ố, buồn vui. Kí ức của tôi về rạp hát không còn nhiều, vì nhanh chóng sau đó, gia đình tôi phải chuyển về vùng kinh tế mới, bắt đầu cho 16 năm tiếp theo không có anh đèn điện, nhưng vẫn hạnh phúc như thường. Có lẽ, có đèn điện, cũng chẳng làm sáng lên cái hạnh phúc bao nhiêu, hạnh phúc, có lẽ nó nằm chính trong lòng mình.
Lần cuối cùng tôi ghé thăm rạp hát tuổi thơ cách đây vài năm, con đường đã khác, con người cũng khác, hay chính tôi đã khác, tôi cũng không rõ, nhưng chắc chắn, mọi thứ ngày càng nhỏ lại khi bàn chân mình lớn dần lên và đi nhiều hơn. Nhưng tôi biết chắc, cái ấn tượng về cái rạp hát ngày xưa mà tôi hằng ao ước được đi xem, nó chính là cái rạp hát tuyệt nhất mà tôi đã thưởng thức. Hẳn nhiên rồi, như một người bạn vừa nói với tôi: “ cái gì vui thì giữ lại, đừng giữ những cái nhức đầu làm gì, cuộc sống có là bao”.
(kì sau: gánh đậu hũ và những bài học về tình mẫu tử) Huy Phong |