Huy Phong - moingaymotniemvui.com-huyphong.com
trang chủ | ảnh | phonghtn@gmail.com
Hoa sữa
Huy Phong12/7/2005

20 năm tôi sinh ra và lớn lên vùng nam trung bộ, mỗi sáng ra bà hay kể chuyện lúc nhỏ bà sống ở Hà Nội ra sao. Ông tôi cũng là người Hà Nội, năm lên 17, ông vì không nghe lời cụ lấy vợ, nên nhảy tàu vào nam, thay tên đổi họ. Rồi ông bà gặp nhau, bà răng đen tóc búi, ông rắn rỏi, nghiêm nghị nhưng không giấu nét lãng mạn qua ánh mắt và một cái nốt ruồi duyên trên gò má. Tôi thừa hưởng của ông sự lãng mạn này và nhiều người chỉ nhìn tôi rồi lắc đầu “số mày rồi lại khổ vì lãng mạn con ạ”…

Ông là con đầu, sau ngày ông đi, ông cụ giao nhiệm vụ cho người con thứ hai phải đi tìm cho được ông về, sống thì hỏi thăm, chết thì phải dắt cụ vào thắp một nén nhang. Giải phóng miền nam được một năm thì ông chú, em của ông nội vượt đèo ngang, vượt đèo ngoạn mục, một thân một mình lang thang tìm ông anh. Rồi một buổi chiều trong khu kinh tế mới, hai người, tóc đều đã ngả màu, ôm chầm lấy nhau trong nước mắt. Tuy ông anh đã thay tên đổi họ, nhưng dòng máu trong người thì nào có thể phai. Rồi ông nội đi về thăm nhà, cùng với bà nội. Người đàn bà năm xưa được gả cho ông nội tôi vẫn chưa đi lấy chồng, ở vậy với gia đình cụ. Rồi 3 mái đầu ngả màu, ngồi tâm sự bên ánh đèn hoa kì tù mù mà sao ấm áp lạ. Khi đó, tôi chưa ra đời.

Tôi sinh ra và lớn lên hoàn toàn ở trong nam, vậy mà, giọng nói, phong tục, cách sống, cứ như là người bắc kì. Về sau, khi đi ra ngoài, những người ở Hà Nội thường hỏi tôi là vào từ bao giờ. Tôi cười tôi nói tôi vào 3 năm, người ta tin, 10 năm, người ta cũng tin. Tôi nói tôi mới vào tuần trước, người ta vẫn tin. Từ bé, từng câu chuyện về lũy tre, cổng làng tôi nghe nhiều, tình làng nghĩa xóm tình cảm tôi cũng nghe nhiều.

Giỗ đầu của cụ nội, tôi tháp tùng bà nội ra thắp nhang cho cụ. Không khác những gì, và có thể còn hơn nữa, những tình cảm mà mọi người dành cho tôi. Một tháng ở cùng mọi người bên một thôn nhỏ bờ đê nơi chân cầu Thăng Long, tôi học được rất nhiều về hai chữ tình cảm.
Không hiểu sao, tôi luôn nghĩ rằng mình thuộc về Hà Nội, tôi luôn có ý niệm sẽ sống ở đây, tuy xa mà gần, tuy lạ mà quen. Ngày tôi ra, tôi bị đẩy ra khỏi xe đò ở Thanh Trì, mà nhà cụ thì ở tít bên kia cầu Thăng Long, mãi Đông Anh. Tôi kêu 2 chiếc xe ôm, ngồi đằng sau xe ôm, giữa những ánh đèn vàng vàng, mùi hoa sữa sộc vào mũi khiến tôi khẽ nhăn mặt. Ừ thì ra hoa sữa là thế này. Nó nồng quá, khi tôi cố tình ngửi. Tôi lén bẻ một cành hoa, đem bỏ vào giỏ xách, và quên mất. Những ngày ở Hà Nội, tôi dành phần lớn thời gian để ngắm cái cổng làng, ngắm người đi qua đi lại, ngắm lũy tre, nhìn bọn trẻ thả diều. Thú thật, nó không khác lắm Kađơn của tôi, nhưng điều thú vị đây là Hà Nội, nơi tôi không sinh ra nhưng có một ngôi nhà nhỏ mà tôi phải có trách nhiệm nhang khói sau này. Ôi cái lễ giáo, cái lễ nghĩa sông Hồng, bao năm vẫn thế.

Một tháng ở Hà nội, như những người lần đầu ra chơi, tôi cũng đạp xe ngắm nghía lung tung, lăng bác thì đứng ngoài dòm vào, chụp một tấm hình làm kỉ niệm. Nhà hát lớn thì cũng chỉ nhìn bên ngoài rồi gật gù ra vẻ hiểu biết. 36 phố phường thì chỉ chạy nhoáng qua, ghé thăm Quốc tử giám, ra cổng vào hàng hoa, mua một đóa hồng Hà nội để tặng cho cô bạn mới quen. Ngồi xổm ngay vỉa hè ăn vội bát chè đỗ đen. Thế mà thú vị.

Rồi tôi về, lên xe lúc 3h sáng khi gió mùa đông bắc tràn về, lạnh thấu xương, nhưng trong lòng đầy ngổn ngang những cảm xúc. Chiếc xe lắc lư dỗ dành tôi nhưng nào ai hiểu, một mối tình giữa tôi và cái bình yên, thân quen mà xa lạ đã bắt đầu. Xe dừng ở Bình Định, tôi dợm mình, định bắt chước ông nội, trốn xe ngược ra Hà Nội lại. Nhưng nhìn bà đang nóng lòng về vì chỉ có một mình ông ở nhà. Tôi đầu hàng tôi.
Rồi cuộc sống cứ tiếp tục, mỗi lần trên tivi chiếu cảnh Hà nội, hồ tây, đường thanh niên, thậm chí nghe hai chữ Nhật tân, tôi lại giật mình. Tôi vẫn nợ với Hà Nội một lời hứa quay lại.
Hôm qua, tôi giở bản đồ ra tìm đường. Nào là ngã tư vọng, cầu Chương Dương, Thủ lệ…Lòng tự dưng thấy xao xuyến lạ.


…”Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp, đường Cổ ngư xưa, chầm chậm bước ta về…”. Lần theo câu hát, tôi đi tìm đường Cổ ngư. Hóa ra nó là con đường thanh niên. Con đường lười, vì nếu làm một vòng sang bưởi quẹo ra, là có thể ngồi trên xe đạp thả xuôi xuống, ngắm nhìn những tấm lưng và những bàn tay. Cố nhìn xem có cái trường nào để xem cái cảm giác “em bên tôi một chiều tan lớp” hay không, thì thoáng thấy vài tà áo dài, đạp hàng hai trên đường, dưới những tàn cây. Thấy cuộc đời sao đẹp lạ. Từng dòng người ngược xuôi, một mình cô đơn giữa những dòng người tấp nập. Từng nét mặt, nụ cười, sự tất cả. Ừ, thì mình đấy, mình cũng đang hòa mình vào dòng người đấy.

Anh xe ôm cười ngất khi thấy mình hỏi hoa sữa là hoa gì, nhưng khẽ đỏ mặt khi mình hỏi, hoa sữa có đặc điểm gì mà ai đến Hà Nội cũng phải nhắc. Có lẽ đúng, khi cái gì quá thân quen với mình thì mình sẽ không để ý đến những đặc điểm nổi bật, hay dễ dàng bỏ qua những tật xấu.

“Đồng chí chừng nào bắc tiến”, một câu hỏi rất tự nhiên, khác hẳn với kiểu dài dòng thường thấy. Tôi tính đùa, chừng nào có người muốn bắt cóc thì tức khắc ra. Nhưng nói ra như thế hoa ra dở quá. Hà nội nào phải của riêng ai, ai muốn đi thì đi, muốn đến thì đến.

“Alo, tuần sau tớ vào, muốn gì nào, Vải thiều, nhãn lồng, hay cốm làng Vòng”, “Thôi, mình không dám nhận những thứ xa xỉ thế đâu, cho tớ một cành hoa”. Tôi bỏ lửng chữ hoa sữa. Ngày tôi còn lang thang trên bờ đê sông hồng, nơi giáp ranh Hà Nội với Vĩnh Phúc, đi tìm đền Hai Bà Trưng. Có một người con gái đạp xe theo sau, rồi chìa cho tôi một nhánh hoa. “Biết anh không thích mùi nồng, nhưng em đã để nó bay bớt mùi rồi”. Tôi không cầm cành hoa, chỉ khẽ nắm tay em, rồi buông ra. Tôi đến giờ vẫn không hiểu sao lại buông ra. Để rồi lén lén đưa tay lên quệt mũi. Anh bạn từ Hà nội bay vào, “Tớ xin lỗi, vội quá, ông nói đặc sản thì còn nhớ chứ…”. Tôi khẽ cười.
“Mai tôi về, xứ ông làm trà, cho tôi xin một ít, mà trà nào ngon”. “Trà ướp hoa lài đi”. Hoa nhài Việt Nam có nguồn gốc từ Ấn Độ, phân bố ở nhiều nước như Ả rập, Malaisia. Gì chứ xứ Lâm đồng làm trà thì nhiều, nhưng cái anh trà ướp hoa nhài thì ngon số một thơm man mát. Nhẹ nhàng. . Mà hình như chỉ có Lâm đồng mới làm loại trà này, những nơi khác ướp sen uống không hay bằng. “Mà này, mùa này ngoài đó có hoa sữa không”. “Tôi cũng chẳng để ý…”…

Huy Phong
 

Mail to: phonghtn@gmail.com
Danh sách bài viết
  • Hà nội – mây trắng bay về - Huy Phong(12/13/2005)
  • Hà Nội - L.C(12/27/2005)
  • Bài viết
    Bài của Huy Phong (12/13/2005)

    Hà nội – mây trắng bay về

     

    Hà nội, hai tiếng nghe sao mà xa quá, xa lắm khi tôi là thế hệ thứ hai được sinh ra trong nam. Hà nội, qua lời kể của ông tôi, khi ông từ chối tuổi thanh niên ở Hà nội để lưu lạc vào nam, gặp gỡ mối nhân duyên của ông và lập nghiệp trong này. Rồi thế hệ ba tôi, rồi tôi lần lượt chôn nhau, cắt rốn nơi này, duy chỉ hàng ngày, tôi vẫn được uống nước do chính ông bà tôi nấu, người ta bảo, uống nước người bắc nấu thì nói giọng bắc. Và tôi có một cái giọng nam không ra nam, bắc không ra bắc. Tuổi thơ của tôi lớn lên cùng những câu chuyện về lũy tre làng, cánh đồng lúa, mái đình và cây đa làng. Trong tiềm thức của tôi về một làng quê Hà nội ngày càng thôi thúc tôi phải về cái nơi mà lẽ ra tôi đã được lớn lên từ đấy.

     

    Rồi cái ngày tôi khăn gói để về thăm quê nội đã đến. Lên xe đi theo dọc đường đất nước, qua miền trung dọc miền biển đã dạy cho tôi nhiều điều về tình yêu quê hương hơn là những bài cảm nhận hay trích dẫn trong sách giáo khoa. Cái ấn tượng về tình cảm con người là tất cả những gì tôi có thể nói về Hà nội, tôi có quá ít thời gian để yêu, để hiểu và để hoà mình cho nhịp sống hà thành. Nhưng, những hình ảnh trong kí ức tuổi thơ được vun vén qua những câu chuyện đã hiện ra trước mắt tôi. Rồi tôi là quày quả vào nam, về nhà, và luôn mang theo nhiều kỉ niệm, ấn tượng. Thế rồi hôm nay, vào TL, tôi download mây trắng bay về để nghe. Chiều nay, những hạt mưa đầu tiên trong năm đã bắt đầu rơi, khi tôi đang dâng trào xúc cảm về những kỉ niệm trời mưa, thì tôi nghe Thanh Lam hát.

    Một miền quê trong xanh

    Hương lúa thơm nồng nàn

    Một dòng sông quanh quanh

    Ôm ấp lũy tre làng

    Các kỉ niệm lại ùa về, hương lúa thơm nồng nàn, nếu ai đó chỉ nghe câu này, rồi đọc thêm đâu đó tả hương lúc thơm mùi sữa vân vân, rồi kể lại cho ai đó hương lúa thơm lắm thì hẳn sẽ là thiếu sót. Cây lúa đang ra bông còn non, còn gọi là lúc trổ đòng, lũ trẻ chúng tôi đi học thường hái trộm để ăn, thơm và ngọt, trắng, và một mùi hương thật khó tả. Ai đã từng chăn bò, ai đã từng bắt cua trong ruộng lúa, thì hẳn rằng, nghe câu hát này, sẽ khó làm kìm cảm xúc. Một dòng sông quanh quanh, ôm ấp lũy tre làng, đoạn này thì nhiều kỉ niệm, bé thì tắm sông, lớn thì hẹn hò nhau ở lũy tre, không nói với nhau được gì, chỉ giỏi vặt lá tre. Sáng ra, lá tre rụng nhiều vô kể.

    Mà lòng em thương anh
    Mây trắng bay bay về nơi ấy

     
    Bài của L.C (12/27/2005)

    Hà Nội

    Anh à, có biết tại sao anh nhớ HN không? vì HN cũng đang nhớ anh đấy :)

     

    ngày yêu dấu, đã qua chưa, tình yêu mong manh nắng chiều

    ngày xa vắng, thoáng mênh mang, tình yêu chơi với gió trời

    theo mây êm đềm trôi đi mãi...

    Ôi chưa bao giờ...em quên được anh....

     
  • Những bài cũ hơn
  • Lãng đãng cuối tuần (12/7/2005)
  • Sóng sông danube (12/7/2005)
  • Những cái ngã ba (12/7/2005)
  • Khúc giao mùa (12/7/2005)
  • Những tháng ngày vắng (12/7/2005)
  • Listen to the sea (12/7/2005)
  • Phiên chợ ba tư (12/7/2005)
  • Tuổi 19, xa rồi thời con gái (12/7/2005)
  • ONLINE! (12/7/2005)
  • Những bài mới hơn
  • The Lover (12/7/2005)
  • Sex is zero (12/7/2005)
  • Ba tôi, kẻ cắp xe đạp (12/7/2005)
  • Care Love (12/13/2005)
  • Xuân đang về (12/13/2005)
  • Linh tinh cho mỗi ngày (12/13/2005)
  • Họ đang sống như thế nào (12/13/2005)
  • Học cách yêu thương (12/13/2005)
  • Lãng đãng chiều cuối năm (12/14/2005)
  • Thư gửi mẹ (12/15/2005)
  • Tìm kiếm:    Tìm
    Chủ đề khác:
    blog comments powered by Disqus