Huy Phong - moingaymotniemvui.com-huyphong.com
trang chủ | ảnh | phonghtn@gmail.com
Ba tôi, kẻ cắp xe đạp
Huy Phong12/7/2005

“Ngày xưa, khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi rất nghèo. Tôi nhớ, khi tôi lên bảy, ba tôi có một chiếc xe đạp nhưng vì thiếu tiền, ba tôi lại không có việc nên phải đem ra tiệm cầm đồ. Một hôm ba tôi về nhà với vẻ mặt buồn rầu báo cho mẹ tôi biết rằng ông mới tìm được việc nhưng có lẽ sẽ không được làm vì công việc yêu cầu phải có xe đạp. Phải nói rằng mẹ tôi là một người phụ nữ tuyệt vời nhất mà tôi đã gặp trên đời. Trong một thoáng suy nghĩ, tôi thấy bà đến từng phòng, lục tung những tấm drap giường còn mới, tổng cộng được 6 chiếc còn mới. Bà hì hục giặt sạch phơi khô và cùng ba tôi tới tiệm cầm đồ, bán được 7.500 đồng. Hai ông bà sang tiệm cầm đồ, lấy chiếc xe ra hết 6.500 đồng. Phải biết rằng ba tôi đã mừng thế nào.

Công việc của ông là đi dán poster phim trong thành phố. Ngày đầu tiên đi làm, hai cha con tôi đều cảm thấy mình như những người đàn ông thực thụ, có ích, phấn chấn. Cầm khẩu phần bánh mì cho bữa trưa, ba tôi chở tôi đến chỗ làm – đó là một cây xăng, vì tôi được nhận làm một chân bơm xăng, một công việc khá ngon cho một cậu bé, phải không.

Chiều hôm đó cha tôi đón tôi về bằng xe bus, tôi ngạc nhiên, thì ra ba tôi bị người ta lấy mất xe. Mẹ tôi đã khóc rất nhiều, ba tôi thì lo lắng nhờ bạn đi tìm giúp. Ngày hôm sau, ba tôi cùng bạn của ba và cả tôi nữa, cùng ra ngoài khu xe đạp chợ trời nhưng vẫn không có tin gì. Đến trưa thì chỉ còn tôi và ba đi tìm. Phần vì mệt, và, các bạn nhớ cho, tôi tuy đã đi làm nhưng chỉ là một cậu bé 7 tuổi đời, tôi đã bắt đầu kêu ca và quấy ba tôi, có lẽ vì quá chán nản và thất vọng, ba tôi đã cho tôi một bạt tai, một cái bạt tai bình thường, nhưng với tôi, lúc đó, tôi tức ghê gớm.

Đến bờ sông, ba tôi dặn tôi chờ ba bên cầu còn ba đi tìm ông già nào đó mà ba nói là có liên quan đến thằng trộm xe của ba. Một lúc sau, ba tôi chạy lên tìm tôi, vẻ mặt cực kỳ hạnh phúc, thật khó diễn tả, nhưng cái ấm ức vì cú bạt tai làm tôi vùng vằng, không cho ba chạm vào người.

Về sau, tôi mới biết, lúc ấy, dưới sông có một cậu bé bị chết đuối, ba tưởng là tôi, phần vì hối hận đã cho tôi ăn một bạt tai đã hạnh phúc biết dường nào khi thấy tôi bình yên, suốt những ngày còn lại, đó là một khoảnh khắc ba tôi cảm thấy hạnh phúc nhất, chính ba tôi đã nói với tôi như thế. Và sau này, khi tôi lớn lên, có gia đình, tôi càng hiểu hơn cảm giác đó của ba tôi.“


Trên đây tôi mạn phép vào vai con trai của Antonio trong phim The Bicycle Thief, kẻ cắp xe đạp, viết vài dòng nhật ký. Đây là phim của đạo diễn Vittorio De Sica, phim nước ngoài hay nhất 1950, phim của Ý, nói tiếng Ý.

Phim trắng đen, nhưng điều đó có nghĩa là nó còn hơn hẳn hàng tá phim với hàng triệu đô-la kinh phí thực hiện hay hàng tỉ đồng việt nam thực hiện. Với diễn xuất tuyệt vời của Lamberto Maggiorani trong vai Antonio, hình ảnh người đàn ông Ý trong giai đoạn sau chiến tranh thể hiện khá rõ nét. Phim dài 90” xoay quanh việc Antonio bị mất xe đạp trong ngày đầu đi làm, cái nét thất thần, cái nét đau khổ, cái hy vọng trong việc sẽ tìm lại được chiếc xe, thật tài tình, rất giống, rất thật. Ai đã từng mất một tài sản như là cái cần câu cơm sẽ hiểu rằng diễn xuất của anh thật tuyệt vời.

Để nói về phim, có thể nói cả ngày, tôi chỉ nêu ra vài điểm mà theo tôi nó rất ấn tượng:

1.Khi Antonio – gọi là An – cùng vợ chuộc xe đạp và trong ngày đầu tiên đi làm. An vui quá, vào chào vợ trước khi đi làm, An tính thể hiện một tình cảm âu yếm, nhưng, đoạn này thật khó diễn tả. Khi vợ An hơi bất ngờ, bản năng phụ nữ phản ứng ngay, vợ An xô An, chi tiết này nó chiếm hết khoảng 4 giây đồng hồ. Sau khi đẩy An ra ngoài, và An ra chải lại đầu rồi bước vào lại, rất thoải mái, một nụ hôn lên trán trước khi đi làm. Thế thôi. Vâng, chỉ đơn giản như thế, nhưng tôi đồ rằng, rất khó để có thể diễn xuất như thế trên màn ảnh, tôi thích, và bị ấn tượng, vì nó rất thật.

2.Bạn là người châu Á, bạn là người châu Âu, châu Mỹ hay bạn đang ở bắc cực, tôi cá rằng, chắc chắn nghề thầy bói sẽ có khách hàng. Thật vậy, đất nước i-ta-li-a sau chiến tranh, ngay trong phim này, sau khi hai vợ chồng chuộc được xe, vợ An nói an chở đến một nhà, và không cho An vào. Vì tò mò, An vào và biết được ý định của vợ là muốn tặng cho bà thầy 50 lire để cảm ơn việc An tìm được việc làm. Khi đó, An cười và không cho vợ cho thầy tiền. Nhưng, sau này, khi An mất hết lòng tin vào bản thân, chính quyền, bạn bè, An đã tìm đến thầy. Như thế, cái lòng tin, cái đức tin, cái sự hy vọng của con người, cuối cùng luôn dựa vào những cái không giải thích được như thế.

3.Hình ảnh An thất thần khi không thấy thằng con đâu mà dưới sông đang ầm ĩ vớt xác một đứa trẻ chết đuối, nhất là khi An mới cho thằng con một bạt tai. Cái diễn xuất mới tài làm sao, từng thớ thịt trên mắt, cái nheo mắt, vẻ lo âu…không cần thốt nên lời, vẫn thấy cái bao la của tình cha con nó thiêng liêng biết dường nào.

4.Có một câu nói rất hay của Antonio khi hai cha con đi tìm xe mệt bở hơi tai, Antonio hỏi rằng con có đói không, mặc dù vẫn còn giận cha cú tát nhưng vẫn cười hạnh phúc khi nghe An đề nghị làm quả Pizza. Nhưng hơn thế, An quyết định hai cha con ăn tiệm “Ồ, tại sao mình lại tự giết mình bằng việc cố tìm cái xe thế nhỉ, quên hết đi, cha con ta làm một bữa ngon lành nào.”. Và hai cha con làm hẳn một chai nếp mới, hai bíp-tết, thật ngon lành. Trong chúng ta, ngay bây giờ, không phải ai cũng hài lòng với cuộc sống. Và không ai cũng thành công, vậy tại sao, lúc này, các bạn không hít một hơi dài, rời máy tính, bước ra cửa, nhìn ra ngoài, và đi ăn tiệm nhỉ????

5.Khi sự tuyệt vọng vì nếu không có xe, sẽ mất việc, đã lên đến đỉnh điểm. An quyết định ăn cắp xe đạp, ăn cắp hẳn một chiếc, và tất nhiên, An bị bắt. Cái bi kịch nó nằm chỗ đó, kẻ cắp xe đạp, tên phim, không phải dành cho kẻ lấy đi của An cái cần câu cơm, mà chính An, An là tên cắp xe đạp. Để làm gì, để có một công việc, để nuôi vợ, nuôi con, để nói rằng, cuộc sống này, có quá nhiều thứ để lo lắng, quá nhiều thứ phải trách nhiệm….

6.Đôi mắt của bé con, con của Antonio khi nó chứng kiến ba nó lấy cắp xe rồi bị bắt, chắc chắn sẽ là một cú sốc với nó, một cú sốc thực sự, cho cả khán giả, xót xa cho cái nghèo, khán giả, cái nhìn của khán giả, chính là cái nhìn của thằng bé. Phim hết rồi, cái ánh mắt ấy của thằng bé nó cứ len lỏi theo mãi trong lòng…

Phim DVD dài 90”, đen trắng, xem hay, tiết tấu khá chậm, nội dung không còn gì lạ với cuộc sống xôi thịt như bây giờ, nhưng tôi tin chắc rằng nó sẽ có một chút gì đó đáng để các bạn suy nghĩ, suy ngẫm, sống tốt hơn, và hơn như thế, có một cái gì đó đồng cảm hơn cho những người còn khó khăn hơn mình.

HP


Huy Phong
 

Mail to: phonghtn@gmail.com
  • Những bài cũ hơn
  • Lãng đãng cuối tuần (12/7/2005)
  • Sóng sông danube (12/7/2005)
  • Những cái ngã ba (12/7/2005)
  • Khúc giao mùa (12/7/2005)
  • Những tháng ngày vắng (12/7/2005)
  • Listen to the sea (12/7/2005)
  • Phiên chợ ba tư (12/7/2005)
  • Tuổi 19, xa rồi thời con gái (12/7/2005)
  • ONLINE! (12/7/2005)
  • Hoa sữa (12/7/2005)
  • Những bài mới hơn
  • Care Love (12/13/2005)
  • Xuân đang về (12/13/2005)
  • Linh tinh cho mỗi ngày (12/13/2005)
  • Họ đang sống như thế nào (12/13/2005)
  • Học cách yêu thương (12/13/2005)
  • Lãng đãng chiều cuối năm (12/14/2005)
  • Thư gửi mẹ (12/15/2005)
  • No (12/15/2005)
  • Một vòng chợ Đà Lạt (12/28/2005)
  • Nếu (1/1/2006)
  • Tìm kiếm:    Tìm
    Chủ đề khác:
    blog comments powered by Disqus