Huy Phong - moingaymotniemvui.com-huyphong.com
trang chủ | ảnh | phonghtn@gmail.com
Họ đang sống như thế nào
Huy Phong12/13/2005

Thật khó mà có thể đem cuộc sống của một làng, một xã hay một thôn xóm nào đó giữa một diện tích hơn 200km2 này. Lâm Đồng vốn là cao nguyên Lâm Viên với khá nhiều người dân tộc K’Ho, Churu sinh sống. Với 16 huyện, 1 thị xã và một thành phố, đời sống của người dân chênh lệch khá rõ giữa các huyện, thị xã và thành phố. Có thể bắt gặp những hộ nông dân với số vốn hàng tỉ đồng với những đầu tư kinh tế tới hàng triệu đô la mỹ nhưng với khoản thu nhập chừng một hai trăm ngàn một năm đối với nhiều gia đình cũng không có gì là lạ. Vài năm trở lại đây, giao thông phát triển, nước sạch và lưới điện quốc gia đã phủ kín gần hết các xã nghèo đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt của nông thôn nhưng còn đó, rất nhiều những khó khăn trong cuộc sống.

 

Họ đã sống như thế nào.

Trước hết họ đã sống bằng nghề gì, xin theo tôi rảo bước chân về huyện Đơn Dương, một huyện nằm phía nam Lâm Đồng. Huyện Đơn Dương có 9 xã, trong đó có 3 xã Ka Đơn, Próh, Tu-tra là 3 xã thuộc dạng khá nghèo của tỉnh. Năm 2000 thì lưới điện quốc gia đã được kéo về 3 xã này. Đường sá cũng được sửa sang làm cho việc lưu thông đem hàng hóa nông sản ra khỏi vùng sản xuất dễ dàng hơn. Nhưng vấn đề lạc hậu về kĩ thuật nông nghiệp khiến cho sản lượng không tăng được, lại thêm hạn hán, thiếu nước tưới càng khiến vấn đề nông nghiệp không phát triển được. Không có thế mạnh công nghiệp, không có bảo hộ nông nghiệp. Nói chung là không khá về kinh tế được.

 

Nói đến cuộc sống thường nhật, người ta hay nói đến “cơm, áo, gạo và tiền”. Trong đó cơm áo thì phải gọi là “giật gấu vá vai”. Sống bằng mảnh ruộng, mảnh vườn, không có sẵn tiền bạc, quanh năm họ sống bằng tiền, gạo, thực phẩm và cả thuốc men được tạm ứng bởi các đại lý bán tạp hóa và phân bón thuốc trừ sâu. Hàng tháng, hết gạo, họ ra lấy tạm bao gạo, lít nước nắm. Cuối mỗi vụ mùa, các đơn vị tư nhân chuyên cho tạm ứng này sẽ đến thu mua nông sản với giá thấp hơn thị trường và trừ vào khoản nợ trong năm. Có thể nói, không riêng gì Đơn Dương mà ngay các vùng nông thôn khác tình trạng này đang diễn ra hết sức sôi động, thiếu tình người và dẫn người ta vào vòng lẩn quẩn. Ví dụ: nhà bà Bút (xã Ka Đơn), trồng cà chua, tổng số tiền đầu tư cho toàn vụ là 20 triệu bao gồm tiền giống, tiền phân bón thuốc trừ sâu. Với nguồn lao động nhân công từ gia đình, sáng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, ăn cơm với rau và nước mắm, đến cuối vụ, cà chua rớt giá, thu hoạch xong, bán hết, được 20triệu và 200 ngàn đồng, sau 3 tháng. Cả nhà làm quần quật được 200 ngàn sau 3 tháng thì sao mà sống. Nhưng vẫn phải sống, phải mượn nợ và tiếp tục vòng quay này. Sau vài năm là ăn, diện tích của nhà bà Bút thu hẹp lại còn một nền nhà và vài trăm mét đất xung quanh, vì phần lớn diện tích đã bị cấn nợ.

 

Rồi những người hay bị thương lái chèn ép, một số đã không còn chịu ứng trước nữa. Họ đã chọn giải pháp khác, đó là lượm phân bò. Một cái gùi sau lưng hay một cái bao trong tay, ở đâu có phân bò, phân trâu họ nhặt hết. Một ngày chăm chỉ, cũng đổi lấy được vài ngàn đồng, đủ đong và kí gạo, con cá khô. Rồi phân bò lên giá, những nhà có bò họ nhốt chuồng, không thả rông. Những người hay nhặt phân bò chuyển sang nhặt rác, phế liệu. Cực hơn, nhưng tự do hơn, đến vụ, họ có thể bán những thứ trồng được với giá tốt hơn. Cứ như thế, có lẽ, cuộc sống của họ sẽ tốt hơn….

Một gia đình có 2 đứa con đi học, đầu năm học: tiền xây dựng, bảo hiểm, quỹ lớp, quỹ đội, đồng phục, tất cả dồn vào tháng 9 với vài trăm ngàn một lúc. Bố mẹ tái xanh mặt mày, chỉ đến khi đứa con mếu máo về thông báo là trường đọc tên mình giữa cột cờ thông báo thiếu tiền thì bà mẹ chạy vội đi vay mượng để đóng học cho con. Nên tỉ lệ trẻ bỏ học đi làm phụ gia đình là rất phổ biến. Tháng 11, tháng 12 mùa cưới đã đến, có nhiều người đến trước giờ ăn cưới chạy mượn vội 20.000 đồng bỏ phong bì đi ăn cưới, và khá lâu không thấy nói gì để trả, rồi cũng thôi. Ở thành phố, các bạn uống một ly cà  phê 20.000 đồng, một ly cam vắt hơn 30.000 đồng, nhưng ở nông thôn thì đó là một ngày làm công cực nhọc của một phụ hồ, một thanh niên làm việc chăm chỉ, là quà bánh, là thức ăn cho cả nhà.

 

Các bạn chắc nghe đến câu gia đình nheo nhóc rồi phải không? Có bao giờ bạn tưởng tượng ra cảnh nheo nhóc là thế nào chưa. Cái vấn đề tưởng chừng chỉ còn là kỉ niệm nhưng vẫn còn đó ở Ka Đơn. Một gia đình hai vợ chồng đi làm trong rẫy, rừng cả ngày để ở nhà 5 đứa con. Đứa lớn chăm đứa nhỏ, cả năm đứa ngồi đầu hè, đứa mũi dãi lòng thòng, đưa tay quẹt quẹt. Rồi đến chương trình chiếu phim trên Ti vi thì cả năm đứa đều qua nhà hàng xóm coi ké. Vậy đó, nghèo, đông con, nghèo, cái vòng lẩn quẩn…

 

Còn nhiều lắm những ví dụ cho thấy rằng sự chênh lệch cuộc sống giữa nông thôn và thành thị ở Lâm Đồng. Trước khi kết thúc, tôi chợt nhớ ra có một lần về nhà, nghe mẹ nói rằng mẹ không ưa ông hàng xóm tí nào, chỉ vì lý do ông hay sang nhà kêu 1 tô bún giá 2000 đồng (mẹ thở dài: người lớn gì mà ăn có 2000) và hay quên trả tiền. Miếng cơm tôi đang ăn bỗng nghẹn đắng lại, tôi ở thành phố, có những tô phở tôi ăn 20.000, có những bữa tôi trả tiền café cả trăm ngàn cho bạn bè, nhưng chỉ đâu đó khoảng 40 cây số, nơi mà người ta còn nói đến những đồng bạc 2000 với sự quan tâm và nó là một vấn đề trong cuộc sống…

 

 


Huy Phong
 

Mail to: phonghtn@gmail.com
  • Những bài cũ hơn
  • Lãng đãng cuối tuần (12/7/2005)
  • Sóng sông danube (12/7/2005)
  • Những cái ngã ba (12/7/2005)
  • Khúc giao mùa (12/7/2005)
  • Những tháng ngày vắng (12/7/2005)
  • Listen to the sea (12/7/2005)
  • Phiên chợ ba tư (12/7/2005)
  • Tuổi 19, xa rồi thời con gái (12/7/2005)
  • ONLINE! (12/7/2005)
  • Hoa sữa (12/7/2005)
  • Những bài mới hơn
  • Học cách yêu thương (12/13/2005)
  • Lãng đãng chiều cuối năm (12/14/2005)
  • Thư gửi mẹ (12/15/2005)
  • No (12/15/2005)
  • Một vòng chợ Đà Lạt (12/28/2005)
  • Nếu (1/1/2006)
  • Xuân (1/6/2006)
  • Mỗi tấm ảnh, một câu chuyện (2/20/2006)
  • Mùi vị quê nhà (3/7/2006)
  • Sometimes when it rains (3/18/2006)
  • Tìm kiếm:    Tìm
    Chủ đề khác:
    blog comments powered by Disqus