Ngày xưa, vào đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua muốn truyền ngôi cho con. Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp 20 quan lang (hoàng tử) lại, bảo rằng: "Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa hay, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho". Thế là bánh chưng ra đời.
Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh Chưng và bánh Dầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất. Về sau, trở thành tục lệ ở Việt Nam, đâu đâu cũng làm bánh Chưng bánh Dầy trong dịp Tết.
Và đổi lại cho lời hứa của tôi đến thăm một người bạn ở xa là lời hứa về một chiếc bánh chưng do chính bạn ấy gói.
Ông bà nói: mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên. Tức là cái kiểu nói biện hộ cho mỗi việc mình không thực hiện được mà muốn rũ bỏ trách nhiệm. Và với những sự thật hiển nhiên thì cái câu biện hộ kia cũng có tí tác dụng. Nên ngay khi cái tết đã qua mà người chưa thấy đến để tiêu thụ thì bạn tôi khẽ nhắc: muốn ăn bánh mời hay ăn bánh phạt. Tôi cười khẩy, rượu phạt còn không sợ, sợ gì bánh phạt. Nhưng trước khi nhìn thấy khuôn mặt bạn tôi xìu xuống tôi cũng kịp lôi ông bà ra tránh: “mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên”.
Cái ngày Lang Liêu nghiên cứu ra món bánh chưng, trong hạng mục hạn sử dụng, tác giả quên không dặn dò con cháu là sau bao ngày thì không nên ăn nữa. Có rất nhiều sai sót trong những phát minh, mà con cháu sau này cần phải cải tiến. Nhưng hình như riêng phát minh cái bánh chưng thì ít ai chịu cập nhật hạn sử dụng, vì hầu như mọi người đều đồng ý rằng: chỉ cần xong tết là toàn bộ bánh chưng sẽ bị đem chiên hay hấp rồi ăn cho bằng hết vì bánh không thiu thì cũng bị lại gạo. Và con số nhiều nhất tôi từng thấy là ba tuần sau tết. Tất nhiên, số bánh chưng sau ba tuần ấy, tuy gói cùng nhau, vớt ra từng cái một, nhưng tất cả đều bị ném vào thùng rác một lượt.
Tôi ghé bạn trong một buổi trưa trời mưa nhẹ nhàng, lành lạnh. Trước khi ghé, bạn gọi về “trưa nay con về ăn cơm với một người bạn”. Bạn cũng đi làm xa, thế mà khi vừa về đến Hà Nội, bạn lại ghé thăm tôi trước khi ghé về nhà. Tách café ngày càng nguội đi khi những câu chuyện ngày càng nóng lên. Bạn vẫn thế, vui vẻ, nhìn mặt thật khó đoán vui buồn. Có lẽ, bệnh nghề nghiệp chăng. Tôi bật cười, tính hỏi thế, nhưng nhìn bạn đang mải ngắm đường phố sau mưa, những chiếc áo mưa đủ màu tung tăng trên phố…
Bữa cơm Hà Nội có rau muống luộc, dưa giá, lòng lợn luộc, một món chay chưa biết tên và tất cả bày trong mâm. Tự dưng tôi chợt liên tưởng tôi giống cô vợ anh Tràng trong truyện vợ nhặt của Kim Lân. Tức là ngồi xuống làm một mạch ba bát liền. Sau đó thì bạn quay sang ân cần thăm hỏi nhiều chuyện. Tất nhiên con gái thì có nhiều ô nhớ hơn cho rất nhiều chuyện không tên. Và bạn bất ngờ đứng bật dậy, đi về phía tủ lạnh, vừa đi vừa đếm. Tủ lạnh mở ra, bạn thò tay xuống ngăn dưới, miệng líu ríu đếm nhanh và rút ra một cái bánh chưng con con: cái này tớ tự gói và đến hôm nay thì nó tròn 1 tháng 5 ngày rồi. Tôi tái mặt. Bạn quyết định trong vòng 18 giây đồng hồ là thay vì luộc lại thì bỏ vào lò vi sóng.
Tôi nghĩ nhanh đến tờ di chúc, thật là căng quá, không còn nhiều thời gian, tôi bèn mở điện thoại, soạn nhanh một tin nhắn bao gồm password cho máy tính, mail và web của tôi. Tôi đưa tin vào outbox và tôi tin rằng chỉ mất vài giây là tờ di chúc kia sẽ đến nơi an toàn.
Bạn cắt bánh chưng ra và tôi hướng dẫn bạn cách soạn di chúc bằng sms. Trước khi ăn, tôi còn được học thêm một bí quyết nữa để cho chiếc bánh chưng nó xanh và bền. Nếu tôi post được bài này thì trong phần phụ lục sẽ ghi rõ bí quyết là gì. Giờ là tiết mục chính: ăn hết cái bánh chưng này. Thật tình thì nó ngon lắm. Tôi không biết diễn tả thế nào vì bánh chưng nào cũng là bánh chưng nào. Nhưng riêng chiếc bánh này, nó không chỉ là một chiếc bánh, mà tôi biết nó là lòng tin, là sự hứa hẹn, chờ đợi và cả không mong đợi...
HN 3/2006 Huy Phong |