Huy Phong - moingaymotniemvui.com-huyphong.com
trang chủ | ảnh | phonghtn@gmail.com
Chuyển khẩu
Huy Phong12/15/2005

 Ba năm trước, bà do kế sinh nhai đã nhờ cô em dâu lo chuyển dùm hộ khẩu của gia đình bà ra thành phố. Thế là bà ra thành phố, nhưng khổ nỗi chồng bà lại không nghĩ là ra thành phố cuộc sống sẽ khá hơn, thế là một cảnh hai quê. Nhưng tình cảnh này không kéo dài, bà lại về quê lại. Cuộc sống thế là lại bắt đầu từ con số không tròn trĩnh.

Đó là chuyện ba năm về trước, năm nay, vào mùa chuẩn bị bầu cử, hồi xưa bà vốn có chút chữ nghĩa, nay mọi người nói bà ra ứng cử. Thế là bà lên xã, làm hồ sơ chụp ảnh, gọi là ra ứng cử cho oai chứ thực ra, năm nay ứng cử bảy ứng viên, loại ra hai người, mà bà là nữ duy nhất. Theo chỉ tiêu phải có nam có nữ, thế là bà nắm chắc phần đắc cử rồi còn gì. Nhưng khi làm hồ sơ thì xảy ra một chuyện làm cán bộ xã bật ngửa, hộ khẩu của bà là thành phố, bà là dân thành phố từ ba năm trườc rồi. Về nhà bàn với chồng, bà tính luôn đến việc chuyển khẩu cho chồng và con bà luôn vì sẽ đỡ tốn công đi xin tạm trú tạm vắng.

Từ nhà bà lên thành phố vào khoảng bốn lăm năm mươi cây, qua hai chặng rõ rệt, vài cánh đồng và thêm cái đèo. Hồi xe cộ còn khó khăn, đi thành phố là cả một chuyện đáng hếch mặt với hàng xóm, còn hôm nay có người sáng đi chiều về, mai đi tiếp cũng không còn gì là lạ nữa. Bốn giờ sáng, trong nhà bà đã ồn ào, ông bố dậy, các ông con cũng dậy nốt, hàng xóm đang ngủ không khỏi giật mình vì tiếng nhạc trong nhà phát ra, cái thứ nhạc gì mà chả thấy ai hát, cái đàn gì mà một đầu cắm vào cổ, đầu kia một tay nắm, tay còn lại cầm khúc cây cứ chọc ra chọc vào, mà có phải ít đâu cơ chứ, dễ đến gấn hai chục người, kéo liên tục. Rồi thỉnh thoảng, cái ông gì đánh trống đánh uỳnh một cái, giật cả mình. Cơ mà, giữa sớm tinh sương thế kia mà đã mở cái thứ nhạc đó ra thì cứ gọi là tỉnh cả ngủ, nhưng mà trời lạnh quá, ra khỏi chăn cũng lười thế là đành chịu trận, nhưng mà nghe cũng hay hay. Thế rồi có hôm nhà bà không mở, thế là cứ nhớ nhớ là.

 

Bà bán bún, cái hồi bà đi thành phố về, tạm thời chưa có việc, bà nấu nồi riêu, mua thêm chục kí bún tươi, thằng con thứ của bà nó viết lên cánh cửa hai chữ bún riêu, thế là nhà bà thành quán bún riêu. Bà thì đa tài, làm gì cũng khéo, bà nấu đến nồi riêu thứ hai là đã hình thành nên phong cách riêng, người ta bắt đầu nhớ đến cái vị cay cay, thơm thơm của tô bún đầy đầy có đủ cả kinh giới, mắm tôm. Sáng nay, bà dậy sớm một chút, ủi lại cái áo cho ông, tranh thủ chụm bếp sớm để nướng cho ông cái bánh mì cho giòn. Làm cho ông một tô bún rõ to, bà tranh thủ xem lại cái đơn đã viết từ tối qua, cái đơn xin chuyển khẩu về quê lại vì lý do làm ăn. Ừ, chung quy cũng vì hai chữ làm ăn. Cái thời bà còn con gái, bà thương ông, bà theo ông bỏ thành phố về cái chốn khỉ ho cò gáy này chớp mắt cũng suýt soát hai mươi năm. Hai mươi năm với những lo toan, âu cũng là vì làm ăn. Gớm, sao người ta nghĩ ra lắm từ hay thế nhỉ, làm rồi ăn này. Ừ thì không làm thì làm sao mà có ăn được, nhưng mà sao dạo này bà xem vô tuyến, thấy nhiều người làm ăn gì mà nhiều tiền thế. Nói thật, cứ nghe mấy con số mà người ta bảo người này tham ô, người kia mua đồ sao mà lắm số thế. Có một vị mà số tiền không làm mà có đến mười mấy con số, mấy lần thằng con cả của bà về, bà cứ quên chưa hỏi nó cách viết cho tròn trịa. Có lẽ bà sợ, bà sợ cái thế giới ngoài kia, bao con người bon chen, chà đạp lên nhau, bà hay hỏi thằng con đầu của bà cái cách viết mấy con số kia, không phải bà không biết viết, mà cơ bản bà thấy sao mà cách biệt thế, những con người hàng xóm của bà, những con người mà cuộc sống không bao giờ họ mơ đến những con số quá vài con số đơn giản.

Ông ăn xong, khoác thêm chiếc áo ấm, ông đội cái nón bảo hiểm vào đầu, xem lại các giấy tờ cần thiết như giấy chứng minh, đơn từ rồi ông nổ máy. Kể cũng lạ, ông mua được chiếc xe máy từ khi hàng xóm vẫn còn đạp xe bái xái. Rồi họ lần lượt đổi chiếc xe đạp thành xe 67, cub cánh én, cub 80, rồi có người mua được dream, hôm nay đã có future, jupiter. Nhưng khi họ lên dream thì ông vẫn cà khổ với chiếc simson, một chiếc hai thì trung thành như cái tính đơn giản không thích bon chen của ông. Thế rồi thằng con cả của ông nó thi đại học, ông bà bèn bán nó đi với giá nửa cây vàng, có người bảo bán thế là hời rồi, hơn mười năm phục vụ còn gì. Nhưng ông chẳng suy nghĩ gì, ông quay lại với chiếc xe đạp cọc cạch. Kể cũng tội, ông có tiếng là ham học, mà đúng là ông ham học thật, ông đọc đủ sách, ông từng làm giáo viên. Ông là ân nhân của nhiều người trong việc hướng dẫn mở lối làm ăn, nhưng cuộc sống kinh tế của ông vẫn thế. Đời con người nó ác lắm, ông biết nhưng ông không oán. Nhớ cái bận ông bày cho hàng xóm nuôi gà công nghiệp, công thức pha thức ăn, cách thức tiêm chủng ông bày hết. Rồi cũng chính hàng xóm, những kẻ tối lửa tắt đèn mặc nhau ấy, đã không ngần ngại, quay sang nói xấu ông, chơi xỏ ông. Ông làm mãi cũng chán, cuối cùng ông giở cái chuyên môn quèn mà ông đã làm từ xưa. Ông ra huyện làm một cái giấy, thế là ông thành cán bộ tài chính cho huyện, ông lại xin về tăng cường làm cán bộ cho huyện, ông ăn lương huyện, nhưng quản lý cấp xã, thành ra, xã không hù ông được gì, hù cắt lương thì không được, vì ông ăn lương huyện. Ông vui vẻ nhận ra, ông đi làm huyện thì không ai bắt chước được, thôi thế cũng vui vậy.

Ông chạy một mạch từ nhà ra thành phố, qua đèo ông cũng định nghỉ như thói quen hồi còn chiếc simson, mỗi lần lên đèo nóng máy rúp-bê là phải nghỉ. Nhưng năm kia, ông tậu được một chiếc xe Tàu chạy lên đèo không cần nghỉ. Ông ghé vào công an phường, nơi quản lý trực tiếp vợ chồng ông khi ở thành phố. Tầm chín giờ sáng mà đông phết, ông kiên nhẫn ngồi đợi. Đến phiên ông trình bày thì anh trực ban trả lời mà không cần xem qua đơn rằng phường không giải quyết chuyển khẩu, cái này phải sang công an thành phố. Ông khẽ cảm ơn rồi đi ra, chỉnh lại cái mũ rồi nhắm hướng công an thành phố trực chỉ. Không xa lắm từ công an phường ra công an thành phố bằng từ nhà ông lên thành phố. Lại gửi xe, xếp hàng và chờ đợi. Trong phòng trực chỉ có hai người ngồi trực và có đến khoảng chục người đang đợi. Cái công đợi có lẽ là cái tốn kém nhất. Đợi đợi, chờ chờ, đến lượt thì đa phần đều trình bày những công việc cần làm bằng một thái độ của kẻ chịu ơn nhiều hơn là kẻ đi làm những cái nghĩa vụ cần thiết.

 

Từ thớ thịt, từng thay đổi trên khuôn mặt những kẻ đáng thương đó chỉ dám giãn nở một cách từ từ điều độ, ít thấy những cái thay đổi lớn. Đến lượt ông thì cô công an trực rút xoẹt một tờ giấy đăng ký chuyển khẩu đưa ông: điền đầy đủ về phường chứng rồi lên đây. Ồ ra thế, ra là tại ông, ông không hiểu rõ luật, nhưng mà lần sau thì ông biết rồi, cần phải đi đâu trước và làm cái gì. Bằng một cách nhẫn nại vốn đã theo ông bao năm nay chưa xa rời, ông rời công an thành phố và lấy xe, chạy cho nhanh về công an phường. Hô, lúc này phường hơi vắng, âu cũng thương cho cái số của ông. Ông vào nhanh, ngồi vào ghế đợi. Tưởng là đến phiên ông được giải quyết, thì xuất hiện đâu một ông già và một cô gái đeo bảng tên sinh viên trường cao đẳng sư phạm. Ông lặng im lắng nghe, thì ra, cô gái đang cần chứng nhận rằng thì là cô đã cư trú tại địa phương suốt một học kì. Khi anh công an trực ban hỏi cô học kì mấy, từ tháng mấy đến tháng mấy. Hay thật, sao lại quan tâm đến cả cái này nhỉ, ông đang tự hỏi thì câu trả lời đã nằm trong cuốn sổ sinh viên ngoại trú trong tay anh công an trực. Rồi ông lại nghe anh công an trực giảng cho cô sinh viên nghe một bài, các vấn đề về việc điền một ô trong cuốn sổ đó ra sao.

 

Những lý luận hết sức gãy gọn, ông nghiêng nghiêng cái đầu nghe một cái chăm chú, hay quá, hay, chưa bao giờ ông được nghe những lời chỉ giáo chí lí như thế. Tôi hỏi chứ mấy cái ô này thừa à, người ta nghĩ ra các cái ô từ ngày đến ngày là để chơi à. Mà trong này học kì V từ tháng 9 đến tháng 3 mà sao trong sổ đăng kí tạm trú không có, thế này thì làm sao tôi dám chứng cho cô là cư trú tại địa phương. Anh hay, còn cô thì dở, thì cũng đành phải nhận xét thế thôi, trời ạ, sinh viên sắp ra trường rồi gì mà ăn nói lắp ba lắp bắp nói không ra hơi thì thôi chứ. Lại bảo sinh viên, sinh viên, đành rằng mỗi thời mỗi khác, nhưng sao có nhiều cái khác thế. Không rõ cái chuyên môn của các ông cử cậu cử thế nào, nhưng những cái căn bản nhất như là công trừ nhân chia trong phạm vi một trăm. Viết chính tả, chấm phết cuối câu, ngắt câu và các lời chào cần thiết có vẻ như là thiếu thốn lắm. Đấy, lại bảo cộng trừ nhân chia với chính tả sai, đấy là lỗi tại cấp ba, cấp ba làm hỏng học sinh bằng những buổi học thêm như là chiến trận. Nhưng cấp ba cần học thêm là để bổ sung và khẳng định các kiến thức cấn thiết của cấp hai, nhưng cấp hai viết chữ xấu, không ngoan, làm tính không chính xác là do cấp một bị ép học thêm. Thế thì lạ thật, cấp một học thêm làm cấp hai bị hỏng kiến thức. Ấy, không hoàn toàn như thế, nhưng mà cũng gần như thế, chà, cấp một mà phải đi học thêm, thế thì học cái gì nhỉ. Có thằng bé học cấp một, nhưng mà cử chỉ, thái độ không thua gì các anh chị cấp 2. Cũng biết xài tiền, cũng biết hổn hào như ai.

 

Thế thì lỗi tại ai, tại ai làm các cháu cấp một hỏng. À, biết rối, giáo viên cấp một, nhưng mà tại sao giáo viên cấp một làm các cháu hư nào. Thế thì tại giáo viên cao đẳng, giáo viên cao đẳng không dạy cho các sinh viên, các giáo viên tương lai những điều căn bản sao cho tốt, sao cho đạo đức. Bất giác ông quay sang cô gái, khẽ liếc qua cái bảng tên đề trường cao đẳng sư phạm ông khẽ thở dài rồi ngước lên nhìn anh công an trực ban. Khẽ gật gật cái đầu tán dương bài thuyết giáo quá hay của anh, ông thực tình ủng hộ bài giảng của anh. Những khái niệm suy luận logic đơn giản có lẽ còn tốt hơn cả những bài giảng về logic trên trường. Rồi anh cầm hồ sơ của ông lên xem, có lẽ do có cảm tình vì nhận được sự hưởng ứng rất tế nhị của ông, anh dịu dàng hỏi ông chuyển khẩu làm gì. Ông khai vì kế sinh nhai nên cũng đành rời thành phố về quê chứ thực lòng ông không muốn. Rồi ông nói cho anh nghe lý do rằng ai cũng đòi ra thành phố thì phải có những con người như ông phải về quê, thì thành phố mới còn không khí mà thở. Ông đùa, mà như thật, ông thật mà như đùa, ông đến cái tuổi mà người ta bảo là vô vi, ông không rõ vô vi là gi, nhưng mà ông đang ngấm, đang hiểu  cái cuộc đời. Rồi bằng thái độ của một kẻ hâm mộ, nói như thế đúng chưa nhỉ, hình như sai, bằng thái độ của kẻ ngưỡng mộ cái lý do rất là dũng cảm kia, anh khẽ bảo ông, thế đầu giờ chiều bác đến lấy được không, vì giờ này không có ai kí. Chao ôi là cái lịch sự, ông cần tờ giấy có chữ kí, chứ nó có cần gì ông đâu. Nó hỏi ông đầu giờ chiều có được không, nghe sao mà lịch sự. Ông bảo không thì sao nào. Ông đành cười với nó, một thái độ hết sức chân thành, rằng ông đây cũng chẳng vội, bát phố buổi trưa cũng thú vị phết. Ông gửi lại cả tập hồ sơ rồi ông bước ra ngoài, hít thở không khí trong lành rồi đánh xe đi.

Thế rồi, trong lúc bát phố buổi trưa, trong lúc chờ đợi cái con người có thẩm quyền kí hộ ông cái tờ giấy để gia đình ông chuyển hộ khẩu đến một nơi khác có thể làm ăn tốt hơn, thì, ông bị thằng thanh niên chạy một chiếc xe với dung tích trên một trăm xăng-ti-mét khối tông phải. Đây cũng là một vụ tai nạn giao thông hết sức là bình thường với một kịch bản cũ rích, một thằng thanh niên, chạy xe rất nhanh tông phải những người chạy xe cẩn thận. Thanh niên bây giờ, vốn được sinh ra trong thời bình,  sinh ra trong yên ổn. Bố mẹ chúng đã quá kinh hãi khi từng phải đối mặt với cái chết nên cưng chúng lắm. Nhưng cái cưng chiều của những kẻ ít học và cái lơ là tự do, tôn trọng quyền cá nhân của những kẻ có tí học đều giống nhau. Cái căn bản là tình cảm thì thiếu hẳn, thiếu lắm. Chúng như những cái cây mọc rất tự do. Đứa thì ăn nhiều phân xanh, đứa ăn nhiều phân hóa học. Mọc tùm lum, mà như thế cũng chưa hết. Người thì bảo chúng là nạn nhân của xã hội. Mà xã hội là gì mà có tội có tình thế. Thật rắc rối. Một con người nằm xuống tùy trong từng hoàn cảnh mà nó có ý nghĩa thế nào. Có người chọn đây là cách giải thoát cho mình, cho người khác, người thì đó là do ý kiến của người khác. Người thì chịu một cái chết thể xác, người thì sống mà như đã chết.

 

Lúc ông té xuống, người ta chỉ ghi được số xe của thằng kia, còn ông thì được đưa vào bệnh viện. Ông chưa đi, nhưng ai biết ông là ai, ông cũng đâu biết gì nữa. Rồi người ta cũng kiếm ra địa chỉ để nhắn bà lên đón ông về. Người biết chuyện thì bảo nếu có người nhà, cứ làm mấy cái thủ tục đơn giản thì đâu có nhẽ. Người thì bảo, mấy cái tờ giấy chứng nhận năng lực thì làm sao cứu được người. Không, mặc đời nói gì, góc nhỏ nhà ông thế là rẽ sang một nhánh khác. Khi người ta làm hại ai đó, có nghĩ không, mỗi con người, mỗi hoàn cảnh, đều đáng sống không. Cái chết của một ông trung niên thì chắc cũng không đáng gì phải không, giỏi lắm thì sống thêm chừng năm mười năm nữa. Nhưng không phải, mỗi sinh linh đều đáng sống, đáng đươc làm người, bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu tình cảm. Cả một thế giới tinh thần đã đi theo một quy luật vô hình. Bà không kiện ra toà, chuyện đó để xã hội lo, không phải bà không quan tâm đến công bằng, mà có những điều bà biết còn quan trọng hơn cả sự công bằng.

 

Xã hội, từng lúc từng phát triển, nó chưa hoàn hảo nhưng những gì người ta muốn. Từng lúc, từng lúc, nó sẽ tốt hơn. Gạt bỏ đằng sau những buồn phiền và thất vọng, con người dần loại được đức tính ích kỉ của mình, chia sẻ với nhau, cũng lâu đấy để làm điều này. Nhưng không thể nhanh hơn ông bà, đúng là nhanh thật,  ông chỉ muốn chuyển khẩu gia đình về quê thôi, để làm ăn. Nhưng ông đã nhanh hơn, ông chuyển khẩu thẳng về cái nơi mà ông hay cùng các con ngắm hàng đêm. Ông đã vẽ ra những ước mơ, những chân trời mới lạ từ bầu trời, từ tinh tú, từ sự mênh mang của vũ trụ và cuộc sống. Giờ này có lẽ ông đang hòa mình vào trong những vì sao ở trên kia. Dưới này, đoàn người vẫn cứ đi, đi…

 


Huy Phong
 

Mail to: phonghtn@gmail.com
  • Những bài cũ hơn
  • Đêm nghe biển hát (12/1/2005)
  • 3h (12/1/2005)
  • Giấc mộng (12/7/2005)
  • Thời gian (12/7/2005)
  • Cúc đại đóa (12/7/2005)
  • ADSL (12/7/2005)
  • Sân ga (12/13/2005)
  • Về vội (12/13/2005)
  • Con ngoan (12/15/2005)
  • Những bài mới hơn
  • Những đốm lửa hồng (12/21/2005)
  • Truyện chưa đặt tên (1/20/2006)
  • Bánh chưng muộn (3/7/2006)
  • Con muỗi (3/8/2006)
  • Con muỗi (p2) (3/8/2006)
  • Ngàn sao (3/18/2006)
  • Những hột ô mai (11/28/2006)
  • Xe lửa (2/26/2007)
  • Tạm biệt (7/23/2012)
  • Những chiếc lá phong (7/23/2012)
  • Tìm kiếm:    Tìm
    Chủ đề khác:
    blog comments powered by Disqus