Nhà Điền có hai cái máy để bàn, với cái laptop nữa là ba. Tất cả tài sản chỉ có ba cái máy này, tính Điền ít khi mua sắm cái gì, lần cuối cùng Điền mua là cái con chuột máy, lần đấy con chuột chiếc máy cũ đã hư lâu lắm rồi, mà nhân tiện một lần gặp ngoài đường có hàng bán lạc-xoong thế là Điền mua. Tháng ba vừa rồi, vợ Điền mới đẻ thêm một đứa nữa thế là Điền có hai đứa con. Hai đứa hẳn hoi. Nhà thì chỉ có mỗi một line điện thoại. Mùa đông cũng như mùa hè, cả nhà tranh nhau vào internet bằng mỗi một đường đó, bảo sao không chậm. Nhưng mà chậm thì sao.
Tính Điền vốn phóng khoáng, thích sự nhanh nhẹn, nhiều lúc trông ra đường thấy người ta xênh xang vào Thăng Long bằng ADSL, DSL, T1 mà Điền lộn ruột, Điền căm ghét bọn người đấy, chúng tuy có tiền đăng ký sử dụng net nhanh mà chúng vào Thăng Long đú lắm, chã lắm, có đứa vào chủ yếu là đẽo vẹo, nhưng cơ mà gái Thăng Long có mấy đứa mặt mũi nhìn được đâu, sắc đẹp cỡ bằng gái Mường Khương là cùng. Có mấy đứa tóc dài, môi dầy, chân đi Adidas, chạy @, mồm ngậm thuốc, vào Wi-fi gõ T40 nhưng cơ mà tóc vàng. Thế là coi như Điền mỗi lần suy nghĩ lại bị dính ngay vào cái chủ nghĩa hiện thực phản tự nhiên tôn thờ vật chất đầy duy vật chẳng duy tâm. Cơ mà nói chuyện mấy cái máy nhà Điền, cũng chẳng phải Điền mua gì, mỗi lần nhớ đến chàng lại thấy sôi gan cái lão giám đốc trung tâm tin học ngoài Hà Nội. Thời đấy, Điền được mời thỉnh giảng triết tại một vài trường lớn, lương tháng vài trăm $ bạc, nhưng Điền vẫn từ chối, chàng mê máy tính. Thế rồi, dẹp bỏ các khả năng triết học, trích dẫn hegel, karl marx, chàng lăn tăn làm một chân dạy máy tính phổ cập cho các bà các cô rảnh rỗi giết thời gian đi học máy tính chủ yếu đủ khả năng vào các web như doctruyen hay coi thien thai để học hỏi thêm.
Ở quê chàng, lương tháng vài chục $ đã là đáng hãnh diện với ông bà tổ tiên lắm rồi, thế là chàng bị bố mẹ bắt cưới vợ. Nhà vợ chàng thì vốn có tiền, khá giả, họ chịu gả con gái cho chàng vì nể chàng có học. Một vợ một chồng, đẻ đứa con đầu lòng thế là tất cả ba miệng ăn trông cả vào cái nghề dạy phổ cập tin học để kiếm cơm qua ngày. Rồi một bữa, lão giám đốc trung tâm kéo chàng vào góc phòng rồi thì thầm rằng con kế toán kiêm thủ quỹ kiêm bồ nhí của lão đã ôm toàn bộ tiền và trốn đi cùng thằng bảo vệ. Học viên quyết định xù trung tâm, và lão rất lấy làm xấu hổ với chàng vì chưa thanh toán tháng lương cuối với chàng được. Rồi như nghĩ ra được điều gì, lão nói với chàng, hay là chàng lấy đỡ một con 586 đời cuối, một con celeron 433 và một con laptop p2 233 coi như bù tiến công. Nghĩ đến công mang vác con máy về quê, Điền thở dài, nhưng cũng đành chấp nhận. Chàng thầm tính nếu đi bằng xe khách thì với số tiền xe kiêm tiền hàng thì cũng tiết kiệm chỉ bằng tiền đi xe lửa. Thế rồi chàng cũng đem được máy về.
Của đáng tội, ở quê chẳng mấy nhà ai có máy tính, nếu có hoạ chăng là đám trọc phú có con cái đua đòi vào Thăng Long rồi mê mẩn giai súng to đạn nở, gái quyết cởi hết mấy cái dây trói vướng víu. Vợ Điền ra chiều tự hào mấy cái máy lắm, thị thường cau mặt khi thấy mấy thằng hàng xóm vờ tạt qua nhà chơi rồi tranh thủ làm vài ván FreeCell hay Dynomite. Mỗi khi có thằng bấm mạnh cái bàn phím là thị chịu không nổi, một hôm thị bàn với chàng rằng hay là cất hết máy đi, khi nào có khách mới đem ra dùng. Chàng thoáng bật cười trong đầu, đúng là đàn bà cứ may áo mới rồi cất kĩ vào tủ cho đến khi hư. Nhưng chàng gật đầu đồng ý, bởi lẽ bây giờ chàng là kẻ ăn bám, chàng phải phụ thuộc hoàn toàn vào thị, thỉnh thoảng chàng vẫn ngửa tay xin vài hào ghé vào dịch vụ, vào Thăng Long lúc thì check mật thư khi thì post mấy cái vớ vẩn vào mục giáo dục giới tính.
Cuộc đời cứ thế lặng lẽ trôi. Và từ hôm đó, ba cái máy tính được treo kĩ lên giàn bếp. chỉ khi nào có khách thì mới đem vào, lúc thì chơi PinBall khi thì làm một trận WarII.
Nhưng cũng có hôm không có khách Điền cũng đem máy ra, những lúc internet hạ giá hay có giăng. Vợ điền bế thằng bé ngồi một máy, con bé lớn một máy, Điền sử dụng cái laptop. Nhìn thị nhe răng ra cười mỗi khi thấy một cái topic mà chúng chửi loạn lên trong Thăng Long là chàng thấy sao mà thị dễ thương, hiền quá đi.
(Còn nữa) Huy Phong |