“Ở đâu bạn bắt gặp các sự chia ly nhiều nhất?” Tôi đem câu hỏi này hỏi 100 người, và đây là kết quả: - Sân ga (70 người) - Nghĩa trang (10 người) - Không biết (19 người) - Miệng (1 người) Tôi đồng ý là sân ga, nhưng tôi nhất định phải phỏng vấn cái người duy nhất trả lời là cái miệng. Tôi rất hứng thú vì ý tưởng này. Tôi bắt đầu phỏng vấn: -Chào chị, tại sao chị nghĩ là sự chia ly là ở miệng? -À, chuyện là thế này, bạn trai tôi phải đi làm xa, mãi đến hôm đi mới gọi tôi ra: anh đang ở nhà ga, anh phải đi công tác xa.
Ra thế, cũng là nhà ga, ừ ở nơi đó, bạn có thể bắt gặp nhiều thứ tình cảm khác nhau: hỉ, nộ, ái, ố....Đưa tiễn người thân. Đón tiếp người yêu. Thất lạc hành lý. Chậm tàu làm hỏng hàng. Bị cướp tài sản. Bị lừa tình ngay trong chuyến đi. Than ôi, tất cả những sự hỉ, nộ, ái, ố đó đều được xổ toẹt ngay trong nhà ga. Ừ, không đem đi cả. Vì bước ra khỏi cái cửa đề là: nhà ga kia, cánh xe ôm sẽ nhảy xổ vào. Thế là, sự khó chịu về nhà ga được chuyển sang một vấn đề khác. Và tất nhiên, vấn đề đó sẽ không bàn đến ở đây. Ở đây chúng ta đang nói về nhà ga mà.
Một cái sân ga như mọi cái sân ga khác, nó có chỗ đậu xe, có người hướng dẫn, có thu tiền và đưa vé. Trên vé ghi rõ ràng: vé xe 2000 đồng, bằng một cái bánh mì. Nhưng xem kìa, bao nhiêu là người đang đậu xe dọc theo lối vào. Họ ngồi trên xe, chân đạp đất, người thì nhìn đất, kẻ nhìn trời, nhưng tuyệt nhiên không ai rời xe.
Tôi cũng tham gia vào đám người lố ngố đấy. Tôi muốn biết thực sự cảm giác đợi chờ người đi tàu về có cảm giác thế nào. Tôi đậu xe lúc 9h, trời nắng đẹp. Đầu tiên, tôi vặt râu cho giống một bác đang mặc áo lính đằng trước tôi. Râu tôi không có tôi đành xoa cằm. Tôi không biết vặt râu thì có gì hay nhỉ. Tôi sẽ để râu vậy. Thì ra, đợi cũng không chán lắm. Tôi nghĩ thế. Nhưng đồng hồ tôi nhảy sang số 9h15 thì tôi hơi sốt ruột. Ờ, tôi có đợi ai đâu mà sốt ruột nhỉ. Tôi ngắm người xung quanh. Ai cũng căng thẳng. Ờ, hình như chỉ có tôi là không sốt ruột thì phải.
Đã bao giờ bạn chờ đợi một cái gì đó không có thực chưa, cái cảm giác ấy, nó chán lắm. Thật, tôi ngồi đến 10h, tôi phát hiện ra, thà mình đi lang thang, cũng không mục đích gì, nhưng khi bạn đi, bạn phải đổ xăng. Bạn nói chuyện với anh đổ xăng, bông phèng rằng có được hút thuốc không. Bạn vượt đèn đỏ, vài người chửi theo bạn, bạn ngoái lại cười. Bạn đi tiếp, bạn sẽ, bạn sẽ thế nào nhỉ, bạn sẽ chán. Ừ, đi không mục đích gì, chán lắm. Thế là bạn dừng lại. Bạn ngồi ngẫm nghĩ. Có người hỏi bạn rằng đi ra Bà Chiểu bao tiền. Ơ, người ta nhầm bạn là xe ôm đấy. Nhưng xe ôm thì là một vấn đề khác, chúng ta sẽ nói ở một nơi khác. Chúng ta nói về sân ga cơ.
Rồi, thì sân ga vậy. 9h tôi lại có mặt ở sân ga. Lần này tôi có mục tiêu hẳn hoi. Tôi đợi bạn tôi đi chơi về. 14/2. Hôm nay là lễ tình nhân đấy. Tôi mua một cánh hồng, tung tăng chạy cho đúng giờ. Tôi đến sân ga trước khi tàu đến 30 phút và cánh hồng rớt mất. Tôi không dám đi mua lại. Tôi sợ trễ. Ái chà, có ít nhất hơn một nửa số người đang chờ đợi không dám đi mua nước uống, thà chịu đựng cái nóng, chỉ vì sợ trễ. Ừ, người ta khi đã chờ đợi, những sự chịu đựng chỉ là chuyện nhỏ. Họ chịu đựng cái gì, họ biết, sân ga biết.
Bẵng đi một thời gian dài, tôi không còn khái niệm hay ý niệm và quan tâm gì đến nhà ga nữa. Tốt nghiệp cao đẳng, tôi xin được việc làm ở sở hỏa xa. Tôi làm ở bộ phận cơ xa. Có nghĩa là làm các việc liên quan đến đầu máy. Các bạn biết không, hàng ngày, các bạn là hành khách. Tức là các bạn gọi điện đến phòng vé. Các bạn đặt vé, các bạn trả tiền, các bạn yêu cầu toa có giường. Các bạn đổi vé. Các bạn yêu cầu đủ thứ. Vâng, đó là chuyện của các bạn, còn tôi, trước khi tàu chạy, tôi có nhiệm vụ phải đưa các toa tàu vào đúng vị trí của nó.
Đưa vào đúng vị trí, chỉ có thế thôi mà khó phết. Thằng con đòi học Y mà sức nó chỉ đáng thi Kinh Tế, nó không chịu. Thằng con chỉ biết chơi thuốc lắc. Bố mẹ cứ cố gửi sang Singapore để học IT. Thế là không đúng vị trí. Làm sao đưa lại vào đúng vị trí. Ồ chuyện đó to quá, tôi không biết. Nhiệm vụ của tôi là đưa các toa vào đúng vị trí.
Tôi đoán là các bạn đang cười vào mũi tôi, thì cứ xếp các toa vào với nhau như hồi bé xếp que diêm làm đoàn tàu xình xịch ấy. Dễ nhỉ. Thế bạn còn nhớ đã nói gì với cô bán vé chưa: bạn đòi toa nằm. À, ra thế. Tôi phải đẩy cái toa nằm ra xa cái đầu máy cho đỡ ồn. VIP mà. VIP thì phải cần yên tĩnh. Thật đấy. Có lần tôi nghe cái ông nằm VIP chê tàu ồn quá. Đến ga tiếp theo họ đổi cho ông ấy đi máy bay. Họ xếp ông lên chiếc Antonov 38 hai hia chỗ ngồi. Ông đòi xuống. Phi công đưa cho ông ta cái dù để ông bịt tai lại. Cũng đỡ ồn một tí.
Thôi, tôi quay lại cái toa VIP của tôi đây. Để xếp một toa cho đúng chỗ, tôi phải đưa nó qua đường vòng, chạy vòng vòng, cua bên này một tí, cua bên kia một tí. Rồi nó cũng vào. Cũng có hôm may mắn, tôi chạy hai vòng là đưa nó vào đúng vị trí. Cuộc sống cũng thế, không phải cái gì cũng dễ dàng. Ngày còn bé, tôi nghe bố tôi bảo: tao thà đánh 1 cái bánh mì, chắc hơn là đánh một tờ vé số. Tôi tròn mắt: nhưng nếu trúng số, bố sẽ có cả nghìn cái bánh mì. Bố tôi bẻ cho tôi nửa cái bánh mì: cứ mơ mộng đi con.
Tôi lớn lên, đi làm và trải qua nhiều sóng gió. Câu nói của bố tôi đã đúng. Tôi luôn có 1 chiếc bánh mì vào buổi sáng. Và không bao giờ phải sống trong hy vọng sẽ có 1 nghìn cái bánh mì vào ngày mai khi mà sáng nay đói. Khi tôi làm công việc trong cơ xa này. Hàng ngày đưa các toa vào đúng chỗ của nó, tôi càng thấy rằng, cuộc sống nó không dễ dàng, nhưng nó rất thú vị. Khi bạn đi nhầm đường, thời gian để bạn sửa chữa lỗi lầm có thể là gấp 3 lần nếu bạn làm cẩn thận.
Huy Phong |